Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề thắp sáng lửa tri thức

08:53, 26/03/2014

Không ít người quan niệm rằng: “Nếu lấy vợ nên chọn một cô giáo”, bởi nghề giáo có thời gian rảnh rỗi để chăm sóc gia đình. Thế nhưng trên thực tế “nghề lái đò” đưa học trò “qua sông” cũng lắm nhọc nhằn, gian truân, nhất là đối với giáo viên nữ…

Mới đây, trong lúc đợi chụp hình các giáo viên bốc thăm phần thi thực hành giáo viên dạy giỏi bậc THPT, GDTX cấp tỉnh năm học 2013-2014 tôi đã được nghe câu chuyện của một nhóm giáo viên lâu ngày mới gặp nhau. Một cô giáo ở huyện Krông Pak nói: “Hội thi giáo viên dạy giỏi này, mình sụt mất vài cân vì phải thức soạn giáo án, chuẩn bị đồ dùng dạy học cho 2 tiết dạy thực hành”. Một nữ giáo viên khác tiếp chuyện: “Trong 3 phần thi, mình sợ nhất phần năng lực giáo viên, vì vậy hơn một tháng nay, đợi khi các con đã ngủ say, mình lên Internet tìm hiểu kiến thức quản lý nhà nước về ngành giáo dục cũng như những câu chuyện liên quan đến nghề sư phạm để tự tin ứng xử khi gặp tình huống tương tự. Thấy mình cặm cụi với chiếc máy vi tính, chồng mình nhẹ nhàng: - Lúc nào em cũng bận!

Để thành công trong công việc, nữ cán bộ quản lý, giáo viên phải phấn đấu nhiều hơn so với nam giới. Trong ảnh: Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao Bằng khen và danh hiệu Giáo viên dạy giỏi của Bộ GD-ĐT cho các cá nhân xuất sắc.
Để thành công trong công việc, nữ cán bộ quản lý, giáo viên phải phấn đấu nhiều hơn so với nam giới. (Trong ảnh: Lãnh đạo Sở GD-ĐT trao Bằng khen và danh hiệu Giáo viên dạy giỏi của Bộ GD-ĐT cho các cá nhân xuất sắc).

Không như nhiều người vẫn nghĩ: nghề giáo khá nhàn hạ, mỗi ngày chỉ dạy vài tiết. Còn giáo án ư! Năm nào mà chẳng giống năm nào, cứ “bổn cũ soạn lại” là xong. Thực ra, để có một tiết dạy tốt, giáo viên phải mất nhiều thời gian thiết kế giáo án, chuẩn bị đồ dùng học tập, rồi phải chấm bài, đặc biệt là chấm bài các môn xã hội. Đó là chưa kể những giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa phải lặn lội hàng chục km đường lầy lội đến với học trò. Thậm chí nhiều hôm các cô phải bỏ bữa trưa để đến tận nhà học sinh vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em đến lớp. Những dịp về vùng sâu công tác, nhìn các cô mồ hôi thấm đẫm lưng áo, lăn dài trên trán, áo quần bê bết đất đỏ… mới thương làm sao những tấm lòng của “người đi gieo chữ”. Vất vả, nhọc nhằn là thế, nhưng bằng sự nhiệt thành, tình yêu thương vô bờ bến đối với học trò, các cô đã và đang hằng ngày, hằng giờ thắp sáng ngọn lửa tri thức cho những buôn làng vùng sâu, vùng xa. Để chắp cánh cho những ước mơ đeo đuổi con chữ thắp sáng ước mơ chinh phục đỉnh cao tri thức, cho các em, nhiều cô giáo không chỉ dành trọn tâm huyết, rút ruột truyền thụ kiến thức mà còn giúp các em hoàn thiện nhân cách, biết làm người tốt, có ích cho xã hội. Sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những nữ “chiến sĩ” trên mặt trận giáo dục, khai phá tri thức luôn được xã hội ghi nhận, tri ân.

Gánh trên vai nhiều trọng trách, đòi hỏi giáo viên nữ phải sắp xếp thời gian khoa học mới hoàn thành xuất sắc việc trường, việc nhà (Ảnh: tư liệu)
Gánh trên vai nhiều trọng trách, đòi hỏi giáo viên nữ phải sắp xếp thời gian khoa học mới hoàn thành xuất sắc việc trường, việc nhà (Ảnh: tư liệu)

Không muốn thua kém các đồng nghiệp nam, các nữ nhà giáo đã và đang nỗ lực hết mình để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Các cô chủ động hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm để dạy học tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản, toàn diện nền giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Bằng chứng là nhân kỷ niệm 31 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2013 và 45 năm Ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15-10-1968 – 15-10-2013), trong số 57 nhà giáo tiêu biểu được ngành GD-ĐT tuyên dương thì nữ giáo viên có 34 người (chiếm 60%). Mới đây, trong số 29 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THPT, GDTX được Sở GD-ĐT tặng Giấy khen thì có 14 giáo viên nữ. Chia sẻ cảm nhận tại Lễ vinh danh nhà giáo tiêu biểu, cô giáo Đường Thị Đan Phượng, dạy tiếng Anh ở Trường THCS Chu Văn An (huyện Ea Kar) thổ lộ: Để được vinh danh trong ngày hôm nay, bản thân cô phải nỗ lực rất nhiều, nhưng cũng rất may mắn vì đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp, bạn bè. Với các danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2009; Giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các năm 2009, năm 2013; cá nhân lao động tiên tiến và có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh v.v… sẽ là động lực để các cô gắn bó hơn với nghề và yêu quý hơn những gương mặt học sinh gây thơ, ham học hỏi”. Còn cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường Tiểu học Nguyễn Du (huyện Cư Kuin) chia sẻ: “Mỗi ngày đến trường là mỗi ngày chúng tôi gặp và giải quyết không ít các tình huống sư phạm. Có những tình huống đến rồi đi, thoảng qua như một cơn gió; nhưng cũng có những tình huống trở thành kỷ niệm neo mãi trong lòng. Với tôi, khoảnh khắc đáng nhớ nhất là lần đầu tiên được nghe học trò gọi mình là “cô giáo” trong kỳ thực tập đầu tiên - tôi như vỡ òa trong niềm vui sướng.”. Thế nhưng ít ai biết rằng, để trở thành cô giáo tiêu biểu, cô Hà đã phải vượt qua biết bao thăng trầm, vất vả khi chồng là bộ đội công tác nơi đảo xa, một mình chăm sóc hai con nhỏ.

Đây chỉ là một số trong rất nhiều những câu chuyện về các cô giáo. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nữ giáo viên hằng ngày đang âm thầm tận tụy với công việc bồi đắp ước mơ cho học sinh, đồng thời giữ ấm ngọn lửa hạnh phúc gia đình. Niềm vui của các cô là sự thành đạt của học sinh, là hạnh phúc với chồng và các con.

Chiếm hơn ¾ số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, trong những năm qua, các nữ giáo viên đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục và tích cực tham gia các phong trào do Công đoàn ngành phát động. Không chỉ vậy, các chị còn không ngừng nỗ lực trau dồi phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, giữ các chức vụ chủ chốt của ngành cũng như các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, công đoàn… Hiện ngành Giáo dục có 1 nữ là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT và là đại biểu Quốc hội, có 4 nữ là trưởng phòng cấp Sở, 5 nữ trưởng  phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố; tỷ lệ nữ giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường học, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm GDTX ngày càng tăng. Trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, thi giáo án điện tử, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học các cấp thì tỷ lệ giáo viên nữ tham gia luôn cao hơn nam giới.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc