Multimedia Đọc Báo in

Ea Sô cần lắm một ngôi trường!

09:13, 19/04/2014

Năm 2007, xã Ea Sô (huyện Ea Kar) được tách ra thành hai xã: Ea Sô và Ea Sar. Tuy nhiên đã gần 7 năm sau ngày thành lập nhưng xã Ea Sô mới vẫn chưa có trường tiểu học khiến công tác giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh trên địa bàn gặp nhiều khó khăn…

Ngày 5-3-2008, UBND tỉnh có Công văn số 781 đồng ý về chủ trương và tiến độ đầu tư trường tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) ở các xã mới thành lập năm 2007. Theo đó, tại xã Ea Sô của huyện Ea Kar sẽ được đầu tư hai trường mới là: Trường TH Huỳnh Thúc Kháng, quy mô 600 học sinh, năm đầu tư là năm 2008 và Trường THCS Lý Tự Trọng, quy mô 560 học sinh, năm đầu tư là 2009. Công văn nêu rõ, giao cho UBND huyện có các trường được đầu tư lập kế hoạch cân đối ngân sách huyện theo cơ cấu đầu tư một số trường trong năm 2008 và thực hiện theo đúng trình tự, tiến độ đầu tư. Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, ngày 26-3-2008, UBND huyện Ea Kar có Công văn số 190 giao Ban Quản lý các dự án huyện Ea Kar làm chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Ea Sô và các ngành chức năng lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục, trình tự về quản lý đầu tư và xây dựng theo đúng quy định hiện hành; giao trách nhiệm cho Phòng Hạ tầng kinh tế, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Tài nguyên – Môi trường phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ Ban Quản lý các dự án huyện trong quá trình lập hồ sơ, thủ tục, trình tự xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, sử dụng và thanh quyết toán nguồn vốn bảo đảm theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, Trường TH Huỳnh Thúc Kháng vẫn chưa được xây dựng. Ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô cho biết, theo quy hoạch Trường TH Huỳnh Thúc Kháng có diện tích 16.750 m 2, nằm trên địa bàn  thôn 2, xã Ea Sô, nguyên trước đây thuộc đất của ông Lê Ngãi (đất đã có bìa đỏ, cấp không thu tiền với mục đích sử dụng vào trồng rừng). Nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện dự án xây dựng trường là do chủ đất cho rằng mức đền bù 366.400.000 đồng không thỏa đáng nên chưa nhận tiền và theo đó công tác giải phóng mặt bằng bị ách lại, kéo theo toàn bộ các thủ tục tiếp theo không thể thực hiện được.
Thiếu phòng học, học sinh phải học nhờ hội trường của thôn.
Thiếu phòng học, học sinh phải học nhờ hội trường của thôn.

Trường học chưa được xây dựng, lớp học thiếu, gây không ít khó khăn cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh trên địa bàn xã. Biển hiệu Trường TH Huỳnh Thúc Kháng đã được dựng lên nhưng là phân hiệu của Trường Tiểu học La Văn Cầu trước đây khi chưa tách xã. Với tổng số 305 học sinh, 12 phòng học, điểm trường hiện tại chỉ có 4 phòng học nên nhà trường phải mượn hội trường thôn 1,2,5 và nhà văn hóa cộng đồng buôn Ea Puk để làm lớp học cho các em. Vậy là khi nào các thôn, buôn có việc phải sử dụng hội trường thì đương nhiên các em phải nghỉ học. Thầy Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, phân tán nên rất khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý. Không có phòng làm việc cho giáo viên, bộ phận quản lý, văn phòng, hành chính, hai phòng tập thể của giáo viên trước đây được trưng dụng làm phòng hiệu trưởng và kế toán, phòng phó hiệu trưởng và văn phòng đội. Còn phòng giáo viên, phòng họp hội đồng, văn phòng, phòng học vi tính của học sinh đều chung một phòng chưa đầy 24 m2. Buổi trưa những giáo viên nhà xa, ở lại để dạy buổi chiều cũng phải dùng luôn phòng này để nghỉ. Thầy Hoàng cũng cho biết thêm: Toàn huyện có 67 trường, có 2 trường học một buổi thì trong đó có Trường TH Huỳnh Thúc Kháng. Thiếu phòng học, học sinh phải học một buổi bắt buộc thầy cô phải dồn số tiết cũng như lượng kiến thức theo quy định để truyền tải hết trong một buổi, thay vì hai buổi như nhiều trường. Điều này sẽ tạo áp lực cho các em, nhất là khối lớp 1, lớp 2. Và với cơ sở vật chất như hiện tại, giáo viên cũng khó áp dụng phương pháp mới trong giảng dạy, còn nhà trường cũng khó xây dựng và thực hiện chuẩn.

Thiếu phòng học cũng khiến phụ huynh vất vả theo. Nhiều gia đình có hai con cùng học tiểu học, nội chuyện mỗi đứa học mỗi buổi hoặc cùng buổi nhưng khác điểm trường cũng làm cho việc đưa đón bất tiện, mất nhiều thời gian. Em Quách Thanh Hoàng Anh, học sinh lớp 3 cho hay, nhà em ở cách trường 7 cây số nên bắt buộc phải có người chở đi. Nếu buổi nào cũng đưa đi đón về thì hết ngày hết buổi, bố mẹ em và một số bố mẹ của các bạn khác ở gần nhà nhau phải phân công đưa đón các em đi học.   

Chẳng riêng giáo viên, học sinh Trường TH Huỳnh Thúc Kháng mong mỏi có một ngôi trường khang trang để bảo đảm việc dạy và học, ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô cũng tha thiết đề nghị các phòng ban chức năng sớm có biện pháp giải quyết khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện đúng theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Ông Thủy cho biết, động thái tiếp theo của xã là tiếp tục kiến nghị với cấp trên, các phòng chức năng của huyện để phối hợp thực hiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường theo như chủ trương đã được sự đồng ý của UBDN tỉnh, nếu vận động mà chủ sở hữu không đồng ý nhận đền bù thì có thể lập hội đồng cưỡng chế. Còn nếu thêm vì lý do do tình hình kinh tế khó khăn, thắt chặt đầu tư công, hạn chế mở mới công trình nên chưa rốt ráo với việc xúc tiến các thủ tục xây dựng trường thì xem ra sẽ cứng nhắc vì một xã vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn không thể sau gần 7 năm thành lập vẫn chưa có một trường tiểu học theo đúng nghĩa.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.