Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 thành công như mong đợi: An toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế, song qua đó cũng đặt ra cho ngành Giáo dục nhiều vấn đề cần suy ngẫm.
Kỷ luật trường thi được siết chặt
Trao đổi với PV Báo Dak Lak sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức một ngày với 3 môn thi, ít nhiều gây khó khăn cho các trường cũng như đơn vị quản lý giáo dục, nhưng nhờ sự chủ động trong công tác chuyên môn cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong chỉ đạo tổ chức thi, bảo đảm các điều kiện tốt nhất, nên tất cả các khâu đều được thực hiện trôi chảy, thuận lợi. Vấn đề mà dư luận quan tâm và Sở GD-ĐT lo lắng là an ninh giữa 2 ca thi trong cùng một buổi cũng đã được giải quyết khi các Hội đồng tăng cường phối hợp với lực lượng công an bảo đảm công tác an toàn phía ngoài trường thi; đồng thời chủ động bố trí TS, giám thị giữa 2 ca thi hợp lý - nghĩa là sau khi công bố giám thị coi thi môn thứ nhất làm nhiệm vụ thì giám thị coi thi môn thứ 2 được bố trí ở lại hội đồng để chờ. Đối với môn thứ 2, sau khi công bố giám thị coi thi, những giám thị không làm nhiệm vụ cũng phải ngồi tại hội đồng chờ sau khi TS vào phòng thi, giám thị mới được rời khỏi hội đồng thi, do đó không có tình trạng mất trật tự giữa 2 môn thi. Còn đối với TS, thời gian nghỉ giữa 2 ca thi khá dài nên có đủ thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe tiếp tục thi môn tiếp theo. Sự thành công của kỳ thi thể hiện qua tỷ lệ TS dự thi so với TS đăng ký đạt 99,34%, trong đó hệ giáo dục phổ thông đạt 99,90% và GDTX đạt 98,61%; kỷ luật trường thi được siết chặt. Trong 2,5 ngày thi, tại 51 hội đồng thi trong toàn tỉnh không có giám thị vi phạm Quy chế thi, duy nhất chỉ có một TS đi trễ so với thời gian quy định làm bài; các khâu chuẩn bị đề thi và làm bài thi được bảo mật.
Niềm vui của các thí sinh sau khi đã hoàn thành các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014. |
Khác với các kỳ thi trước, TS dự thi với tâm thế rất thoải mái, bởi có sự chuẩn bị khá chu đáo về tâm lý khi được lựa chọn môn thi phù hợp với khả năng và năng lực của bản thân; mặt khác năm nay điểm thi tốt nghiệp, chỉ chiếm 50% kết quả xét tốt nghiệp, do đó TS và phụ huynh không quá căng thẳng, áp lực. Một phụ huynh có con thi tại Hội đồng thi THPT Hồng Đức chia sẻ: “Mỗi môn thi chỉ cần đạt 2-3 điểm là đậu tốt nghiệp, song muốn có tấm bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi phải cố gắng làm bài thật tốt. Với những TS có học lực trung bình hoặc yếu thì cố gắng đừng để bị điểm liệt”. Ông Khương Huy Hoàn, phụ huynh của một TS cũng thi tại Hội đồng này cho biết: “Thi tốt nghiệp cũng giống như một kỳ kiểm tra cuối học kỳ, nói đúng hơn là một đợt tập dợt chuẩn bị tâm lý để các em tham gia kỳ thi đại học, cao đẳng sắp tới!.
“Nóng” vấn đề thời sự của đất nước
Đề thi tốt nghiệp, nhất là các môn tự luận (Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử) năm nay được dư luận xã hội đánh giá là hay và rất thực tế khi đề cập đến vấn đề thời sự Biển Đông, và do vậy, TS “được là chính mình”. Cả nước có hơn 900 nghìn học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp năm 2014, nghĩa là có ít nhất chừng ấy con tim được lay động, đánh thức trước vấn đề thời sự của đất nước - Biển Đông dậy sóng. Nhiều giáo viên có chung nhận xét: đề thi năm nay rất độc đáo, tạo sự hứng thú và khả năng sáng tạo cho TS khi cả hai phần: đọc - hiểu và làm văn không chỉ yêu cầu TS trình bày suy nghĩ, trách nhiệm công dân, tình yêu nước, mà còn được định hướng đúng đắn để không có những phát ngôn, ý kiến quá khích làm ảnh hưởng tới tâm thế chung của cộng đồng. Thầy Đào Văn Chỉnh, Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT Chu Văn An cho biết: Đối với câu nghị luận xã hội về Biển Đông (phần đọc-hiểu 3 điểm) không quá bất ngờ bởi học sinh có thể cập nhật các thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với câu hỏi nghị luận văn học (7 điểm), trong tác phẩm kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của tác giả Lưu Quang Vũ, nội dung trả lời sẽ không bị phụ thuộc vào tài liệu, mà hoàn toàn giúp thí sinh độc lập trong tư duy và sáng tạo trong phần trả lời. Thầy Chỉnh cho biết thêm, đề thi ra theo hướng mở đã được Bộ GD-ĐT thực hiện hơn 5 năm qua, tuy nhiên năm nay thì đổi mới thực sự. Đây là xu hướng tất yếu của việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đòi hỏi người học phải hiểu vấn đề, biết cách phân tích, thoát ly khỏi việc học theo kiểu từ chương như trước.
Một lần nữa, TS hào hứng với đề thi có tính thời sự khá cao ở môn thi Lịch sử khi người ra đề khéo léo đưa việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam nhằm khơi gợi ý thức của thế hệ trẻ trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc. Em Nguyễn Thị Kim Thoa (lớp 12A2, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) liên tiếp 2 lần được vinh danh tại văn miếu Quốc Tử Giám do đoạt giải quốc gia môn Lịch sử chia sẻ: Đề thi không làm em quá bất ngờ, nếu không muốn nói là khá thú vị, vì có phần liên hệ (câu 3): Từ áp dụng nguyên tắc hoạt động của Liên Hiệp Quốc về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình đến việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay. Cách ra đề thi như thế ít nhiều sẽ không làm học sinh chán học môn Lịch sử như mọi người vẫn nghĩ, bởi không cần phải nhớ quá nhiều mốc thời gian, mà chỉ cần quan tâm, theo dõi vấn đề thời sự của đất nước và phải có thái độ đúng đắn trước vận mệnh của đất nước.
Cách ra đề thi của một số môn thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều đổi mới buộc ngành giáo dục phải đổi mới hơn nữa phương pháp dạy, tạo sự hứng thú trong tiếp nhận kiến thức cho học sinh. Không chỉ “dạy chữ”, giáo viên phải quan tâm “dạy người” cho các em. Về phía học sinh, ngoài kiến thức được thầy cô truyền thụ, các em còn phải chủ động trang bị kiến thức xã hội, tránh kiểu học hàn lâm, từ chương. Một vấn đề nữa được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là liệu có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, khi kết quả tốt nghiệp được dự đoán “rất đẹp”, “rất hoàn hảo”… để từ đó tránh được những lãng phí không cần thiết…
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc