Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa đọc của giới trẻ thời nay

08:56, 15/06/2014
Từ lâu, sách là người bạn tâm giao chia sẻ mọi buồn vui và đọc sách trở thành thói quen của nhiều người, thế nhưng, giới trẻ ngày nay dường như đang quay lưng với văn hóa đọc.
 
Với sự phát triển như vũ bão của mạng internet, các phương tiện thông tin đại chúng, văn hóa đọc ngày nay không còn đủ sức thu hút giới trẻ, thư viện ngày càng vắng bóng người đọc, ngược lại các nhà hàng, quán cà phê, karaoke, game, internet… luôn đông đúc. Còn các nhà sách gần như chỉ nhộn nhịp vào đầu năm học, khi các bậc phụ huynh mua sắm dụng cụ, sách giáo khoa cho con em, còn lại gần như vắng bóng. Chị Phan Thị Thủy, nhân viên một nhà sách trên đường Hai Bà Trưng TP. Buôn Ma Thuột cho biết: đầu năm học, nhà sách luôn trong tình trạng quá tải, phải tìm người làm thêm theo ca, mùa nhưng những ngày còn lại thì lượng khách thưa hẳn, chủ yếu là mua quà lưu niệm hoặc đồ chơi, còn các loại sách rất ít người mua. Mặt khác, trên thị trường hiện nay có quá nhiều sách, nhiều cuốn có nội dung tương tự nhau, một số sách lại tập hợp các bài viết trên mạng khiến các bạn trẻ gặp khó khăn khi chọn sách nên thấy ai đọc gì mình đọc nấy, đọc theo phong trào. Bạn Kiều Thị Bích, sinh viên khoa ngoại ngữ, Trường Đại học Tây Nguyên băn khoăn: em thường đi nhà sách vào cuối tuần, nhưng ít khi mua được sách, bởi nhiều sách na ná nhau không biết chọn sách của nhà xuất bản nào. Hiện nay, các bạn có trào lưu đọc nhật ký du lịch bụi “Xách ba lô lên và đi” của Huyền chip (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Khánh Huyền - một bạn trẻ thế hệ 9X, chưa tốt nghiệp đại học, chỉ với 700 USD đã đi du lịch bụi đến 25 nước trên thế giới). Đọc nhiều, chuyền tay nhau đọc vì tò mò, nhưng khi hỏi nội dung, ý nghĩa của các tập sách đã đọc thì hầu như các bạn đều lắc đầu: “Không rút ra được điều gì”. Một số bạn nam 4 năm học Đại học thậm chí chưa đọc hết giáo trình, thời gian rảnh thì ngủ, chơi game, nhậu, đánh bài, cà phê, xem bóng đá... đến ngày thi thì mượn tài liệu của các bạn nữ về học, bởi cái gì không biết “thì vào Google” có hàng ngàn kết quả để so sánh.
Độc giả tại phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh.
Độc giả tại phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh.

Thư viện tỉnh hiện có gần 150.000 bản sách các loại, với  hơn 1.500 bạn đọc có thẻ thư viện, trong đó giới trẻ chiếm 70%, các bạn thường đọc các loại truyện tranh, sách tham khảo, văn học, tâm lý, sách tin học…. Số lượng sách nhiều, thời gian mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7, nhưng lượng bạn trẻ đến thư viện đọc sách ngày càng ít dần. Bạn Nguyễn Thị Hoa, Trường THPT Buôn Ma Thuột cho hay: em làm thẻ thư viện được 2 năm rồi, chỉ với 15.000 đồng phí làm thẻ và 100.000 đồng tiền đặt cọc vừa mượn sách về đọc vừa có địa điểm để làm bài tập nhóm, rất thuận lợi. Còn những ngày hè thời gian rảnh rỗi nhiều thì lên đọc truyện tranh, tiểu thuyết, sách khoa học viễn tưởng hay các loại sách chuyên sâu lĩnh vực mình quan tâm như tâm lý, giới tính, làm đẹp... Tuy nhiên, số bạn đọc các phòng đọc hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay; hôm nào đông thì được khoảng 10 bạn.

Bà Phạm Thị Kim, Phó giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ, thời gian tới thư viện sẽ tiến hành điều tra xã hội học, nghiên cứu, lấy ý kiến thăm dò và phân tích thông tin nhu cầu của bạn đọc để bổ sung các loại sách phù hợp; biên soạn các thư mục sách mới và thư mục chuyên đề, tin chuyên đề tuyên truyền các sự kiện chính trị và các ngày lễ lớn của đất nước;

mở chuyên mục giới thiệu sách, phát sóng, đăng tin, bài giới thiệu sách; tổ chức triển lãm, trưng bày sách mới; mở rộng đối tượng đăng ký thẻ, luân chuyển sách, báo xuống cơ sở và tặng sách cho các nhà văn hóa cơ sở, đồn biên phòng. Thư viện cũng sẽ mở thêm một số phòng đọc tự chọn, giúp người đọc không mất nhiều thời gian để chờ mượn tài liệu và được tiếp cận trực tiếp với sách, tự lựa chọn sách; qua đó góp phần làm cho người đọc nảy sinh nhu cầu đọc, hứng thú đọc vì nó tăng tính trực quan; đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bằng cách cử cán bộ làm công tác thư viện đi tập huấn nghiệp vụ, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tại Thư viện tỉnh.

Nguyễn Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.