Multimedia Đọc Báo in

"Bệnh" thành tích và sự công tâm của người giáo viên

14:00, 10/06/2014
Thời điểm kết thúc năm học cũng chính là lúc thầy, trò, các bậc phụ huynh cùng nhìn lại kết quả, thành tích của nhà trường và của người học.
 
Kết quả của học sinh có được ngoài sự nỗ lực hết mình còn là tình thương, trách nhiệm sự đánh giá công tâm của những người thầy. Tuy nhiên, đó có thực sự là kết quả của quá trình rèn luyện và cố gắng của học sinh hay sự công tâm trong cách đánh giá, cho điểm của người thầy hay chưa cũng là câu hỏi còn mang đầy mối trăn trở, băn khoăn.

Dư luận vừa qua không khỏi bất ngờ và đặc biệt quan tâm khi lãnh đạo một trường THPT ở TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu giáo viên nâng điểm cho học sinh lớp 12; hay như tổng kết năm học của nhiều trường, nhiều cấp, số lượng học sinh giỏi chiếm từ 80-90%. Cũng xuất phát từ căn bệnh thành tích, không chịu thua thiệt trong xã hội mà nhiều bậc phụ huynh đã tìm mọi cách chạy điểm, xin điểm cho con em mình. Không chỉ có phụ huynh mà nhiều trường, vì muốn làm “đẹp” bản báo cáo thành tích nên đã tìm mọi cách để nâng điểm, sửa điểm học sinh lên, hệ quả là chất lượng thực sự của học sinh đã bị “bóp méo”.

Nói về nguyên nhân, nhiều người đổ lỗi cho hoàn cảnh, do lãnh đạo nhà trường, vì quá thương học trò, vì tương lai con em chúng ta hay muốn các em có cơ hội hơn… mà đành làm vậy; tuy nhiên, chính điều này lại đang làm “hại” học trò. Tình thương và cái “tâm” của người thầy cần đặt đúng lúc, đúng chỗ. Với nghề giáo, điều quan trọng nhất là phải có tình yêu trò, yêu nghề và ở đó chữ tâm và tình thương phải đi liền với trách nhiệm. Chẳng hạn, học trò khi mắc lỗi giáo viên có thể dùng tình thương để uốn nắn và cảm hóa các em sống tốt hơn, hay những em học sinh vì hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ hoặc không thể đến trường… thì người thầy có thể dang rộng vòng tay thay cha mẹ giúp các em có được một tương lai trên con đường học tập. Lòng yêu trẻ được thể hiện là gương những thầy cô giáo vượt hàng trăm cây số để đem cái chữ đến với các em vùng sâu vùng xa, hoặc tình thương ấy đơn giản là giúp cho các em có được bài giảng hay trong mỗi tiết học, giúp các em nhận thức được cái đúng - sai, phải - trái, giáo dục các em sống sao cho đúng với chính mình… Trong mắt học trò, người thầy phải là những “người lái đò” đầy nhiệt tình, công tâm, đánh giá đúng năng lực của các em để các em cố gắng, từ đó mới có thể chiếm được cảm tình và niềm tin của người học. Người thầy không nên chạy theo thành tích, chạy theo “ma lực” của đồng tiền hay địa vị mà đánh đổi, mà hơn hết cả người thầy ngoài kiến thức chuyên môn rất cần cái “tâm” khi đứng trên bục giảng.

Nếu cứ chạy theo thành tích, theo điểm số sẽ dẫn đến thiếu công bằng trong việc đánh giá năng lực của mỗi học sinh, tạo thói quen chây lười, ỷ lại, thực dụng của học sinh, phụ huynh và lớn hơn cả chính là đánh mất niềm tin của không chỉ của học trò mà của toàn xã hội với cái nghề được tôn vinh là “cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Lương Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.