Multimedia Đọc Báo in

Trường THCS Cư Drăm (Krông Bông): Năm học mới, nỗi lo không mới

20:56, 19/08/2014

Cũng như nhiều trường học trong tỉnh, giáo viên, học sinh và đông đảo phụ huynh xã căn cứ Cư Drăm (huyện Krông Bông) háo hức chờ đón năm học 2014-2015, nhưng vẫn thấp thoáng những nỗi lo…

Háo hức đón năm học mới

Năm học 2014-2015, Trường THCS Cư Drăm có 507 học sinh, trong đó có hơn 133 học sinh lớp 6. Chuẩn bị cho năm học mới, đầu tháng 8, trường tổ chức họp toàn thể giáo viên xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; huy động giáo viên, học sinh vệ sinh lớp học, sân trường sẵn sàng cho ngày tựu trường 15-8 theo đúng khung thời gian năm học của ngành quy định. Nhà trường cũng đã cấp phát sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh con em gia đình chính sách theo Nghị định 74 và Chương trình 168 của Chính phủ. Ông Triệu Văn Bình, có hai con đang học tại trường phấn khởi nói: “Đang ngày mùa bận rộn, nhận được thông báo của nhà trường đến nhận sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập cho các con, nên đã tranh thủ đưa các con tới trường nhận để còn kịp về đi rẫy. Mình cũng đã mua cho các con mỗi đứa hai bộ quần áo mới để đi học”. Cùng chung tâm trạng, chị Giàng Thị Chế, phụ huynh em Mai Thị Lý cho biết: “Không phải tất bật chuẩn bị sách, vở cho các con vào đầu năm học vì đã có Nhà nước cấp. Nhìn con gái háo hức mong đến ngày khai trường, mình cũng bồi hồi không kém”. Mong đợi nhất vẫn là những học sinh lớp 6, bởi chỉ mấy ngày nữa thôi các em sẽ được học ở ngôi trường mới, thầy cô, bạn bè mới. Không giấu được niềm vui khi nhận bộ sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập từ cô giáo, em Lò Thị Dúa (lớp 6B) bước nhanh đến ghế đá dưới tán cây bàng nơi sân trường lật từng trang sách. Dúa cho biết: “Là chị đầu, suốt mùa hè phải trông hai em để bố mẹ đi rừng, thỉnh thoảng em lại lên rẫy hái rau phụ bố mẹ cải thiện bữa ăn. Bố đi rừng cuối tuần mới về, còn mẹ bận chăm hai em, vì vậy một mình em đón xe buýt ra trường nhận sách, vở, vui lắm”.

Niềm vui của bố con ông Triệu Văn Bình khi nhận sách giáo khoa,  vở viết và dụng cụ học tập năm học mới.
Niềm vui của bố con ông Triệu Văn Bình khi nhận sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập năm học mới.

Canh cánh nỗi lo cũ

Giáo viên, học sinh và phụ huynh ở xã Cư Drăm không muốn nhắc lại vụ tai nạn thương tâm của 5 học sinh xấu số bị chết vùi trong hố cát cạnh dòng sông Krông Bông xảy ra cách đây 6 tháng. Phó Hiệu trưởng nhà trường, thầy Ngô Hữu Ba bùi ngùi: “Vụ tai nạn tác động mạnh đến tâm lý của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Không ít gia đình có con ở trọ bắt các em nghỉ học ở nhà đi nương, đi rẫy; một số gia đình cho con em đi về hằng ngày bằng xe buýt. Song từ làng đến trường chỉ có duy nhất một tuyến xe buýt nên thường xuyên quá tải, nếu chẳng may lỡ chuyến xe thì các em đành nghỉ học; chưa kể không phải gia đình nào cũng có đủ 300.000 đồng mỗi tháng để trả tiền xe buýt”. Vì vậy, số học sinh vắng học từ 20-30 buổi trong năm 2013-2014 chiếm tỷ lệ khá cao. Đáng quan ngại, đợt kiểm tra chất lượng hè vừa rồi có 20 em không làm bài kiểm tra. Đến thời điểm này, nhà trường chưa thể biết liệu các em học sinh này có còn tiếp tục đi học hay không (?).

Điều đáng lo là hầu hết học sinh của Trường THCS Cư Drăm ngoài thời gian học tập ở trường, còn phải lên nương, lên rẫy phụ giúp bố mẹ nên kết quả học tập không cao. Nguy cơ các em bỏ học với rất nhiều nguyên nhân luôn thường trực, trong đó có lý do học lực yếu. Được biết, học kỳ II năm học 2013-2014, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã xây tặng trường 2 phòng nội trú “Tiếp sức học sinh nghèo đến trường” trị giá 50 triệu đồng. Phụ huynh học sinh góp ván, gỗ làm một căn bếp cạnh 2 phòng nội trú để các em tự nấu ăn. Nhu cầu ở nhiều trong khi phòng nội trú ít nên nhà trường phải xét theo thứ tự ưu tiên về học lực, hạnh kiểm, nhưng cũng chỉ giải quyết được chỗ ở cho 16 em. Thầy giáo Ngô Hữu Ba trăn trở: “Theo Nghị quyết của HĐND huyện nhà trường phấn đấu đến năm 2015 được công nhận đạt Chuẩn quốc gia mức độ I, nhưng đến nay cơ sở vật chất trường lớp cơ bản vẫn chưa được cải thiện nhiều so với các năm trước. Hiện tại trường vẫn chưa có phòng bộ môn, phòng chức năng, đặc biệt hơn 100 học sinh dân tộc Mông nhà ở cách xa trường từ 7 đến hơn 10 km vẫn phải mượn đất của người dân gần trường dựng lều trọ học. Thế nhưng, bước vào năm học này, nhà trường chỉ được đầu tư 70 triệu đồng xây dựng công trình vệ sinh thay thế nhà vệ sinh xuống cấp, còn nhà nội trú cho các em thì vẫn phải chờ đợi…

Học sinh vùng sâu Cư Drăm mong mỏi có nơi ăn nghỉ khang trang để hỗ trợ tốt việc học tập
Học sinh vùng sâu Cư Drăm mong mỏi có nơi ăn nghỉ khang trang để hỗ trợ tốt việc học tập

Trước thềm năm học mới, giáo viên, học sinh và phụ huynh xã căn cứ Cư Drăm rất mong Nhà nước đầu tư xây dựng nhà nội trú bảo đảm an toàn để các em yên tâm học tập. “Một khi các em ở tập trung, nhà trường  sẽ tổ chức ăn uống, quản lý giờ giấc sinh hoạt, học tập của các em” - thầy giáo Ngô Hữu Ba mong muốn.

“Theo khảo sát, Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Drăm) có khoảng 180 học sinh phải trọ học (70 học sinh Mông, còn lại thuộc các dân tộc thiểu số khác). Nhiều em nhà ở cách xa trường trên 50 km (xã Cư San, huyện M’Drak), hơn 30 km (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pak). Để theo học, các em phải dựng lều để ở và phải tự lo cơm nước. Hơn lúc nào hết, nhà trường mong muốn có nhà bán trú để các em yên tâm học tập” - thầy Nguyễn Công Lam, Phó Hiệu trưởng nhà trường kiến nghị.

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.