Multimedia Đọc Báo in

Cổ tích về nghị lực vượt khó

10:47, 29/09/2014

175 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đang đứng trước nguy cơ bỏ học của các tỉnh Tây Nguyên, trong đó Dak Lak 41 em, vừa được “Tiếp sức đến trường” bởi Báo Tuổi trẻ, VTV9 và Công ty CP phân bón Bình Điền, là những câu chuyện cổ tích về tinh thần vượt khó, vươn lên trong học tập…

Nâng cánh ước mơ cho con

Không riêng đại biểu, nhà tài trợ, phụ huynh mà bản thân những tân sinh viên tham dự Lễ trao học bổng đã không cầm được nước mắt khi biết về hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Hằng, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), sinh viên ngành Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên. Cách đây đúng 10 năm, vì hoàn cảnh, mẹ Hằng đã dắt 2 chị em từ tỉnh Sơn La vào Dak Lak sinh sống. Hằng kể: “Tài sản của ba mẹ con lúc đó chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo cũ. Mẹ chẳng còn sự lựa chọn nào khác nên chọn nghề bán vé số kiếm tiền nuôi các con. Do chưa quen đường sá, lại không có người quen ủng hộ, nên mỗi ngày mẹ chỉ bán được vài chục tờ vé số, dù mẹ đã cố gắng rong ruổi hơn chục ki-lô-mét. Vì vậy, có những ngày, 3 mẹ con chỉ ăn uống gói gọn trong 5 nghìn đồng. “Cuộc sống túng quẫn, nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng thương hai con nhỏ dại nên tự động viên mình, động viên các con cố gắng học giỏi, chỉ có học mới hy vọng thay đổi số phận, không vất vả như mẹ nữa!”, mẹ Hằng thổ lộ. Không đành lòng nhìn mẹ vất vả, năm học lớp 5, Hằng xin mẹ một buổi đến trường, một buổi đi bán vé số phụ mẹ nuôi em. Dẫu vất vả nhưng Hằng thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du trong sự thán phục của bạn bè và bà con lối xóm. Không ít người bảo với mẹ Hằng, con gái học làm gì nhiều, mai mốt cũng đi lấy chồng, hay học đại học xong biết có xin được việc làm… Bỏ ngoài tai những lời ấy, mẹ tiếp tục động viên con gái theo đuổi ước mơ trở thành tân sinh viên. Niềm vui đã đến với mẹ con người bán vé số khi Hằng thi đỗ ngành Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên. Giờ đây, cánh cửa đại học đã rộng mở, nhưng mẹ con Hằng lại đứng trước sự lựa chọn: học hay nghỉ - bởi tiền lời bán vé số sau mỗi ngày không đủ trang trải cho việc học đại học. Trò chuyện với chúng tôi, Hằng quả quyết: “Khó khăn, vất vả đến mấy em vẫn đi học. Khi còn nhỏ, mẹ là chỗ dựa cho em, thì giờ đây em sẽ là chỗ dựa cho mẹ và bố. Đúng 10 năm xa quê, em mới được gặp lại bố sau khi có kết quả thi đại học. Khó khăn lắm bố mới nhận ra đứa con gái bởi căn bệnh tâm thần đeo đẳng nhiều năm”. 

Mẹ em Nguyễn Thị Hằng (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ câu chuyện vượt khó nâng ước mơ  cho con đến giảng đường đại học.
Mẹ em Nguyễn Thị Hằng (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ câu chuyện vượt khó nâng ước mơ cho con đến giảng đường đại học.

Làm thuê nuôi ước mơ vào giảng đường đại học

Trong số 41 sinh viên vừa thi đỗ đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn, đang đứng trước nguy cơ bỏ học của tỉnh Dak Lak được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm nay, trường hợp em Phan Rô Píp (thôn 2, Cư M’lan, huyện Ea Súp) khá đặc biệt. Bố Rô Píp mất do tai nạn giao thông khi em học lớp 11, mẹ bị bệnh hở van tim không có khả năng lao động, em trở thành lao động chính trong nhà. Ngoài giờ lên lớp, Rô Píp đi gặt lúa, bẻ ngô thuê kiếm tiền thuốc thang cho mẹ và trang trải việc học tập. “Em sẵn sàng làm mọi việc để mẹ vui và sống lâu với em, nhất là cố gắng học giỏi để mẹ an tâm. Em cũng xác định phải thi đỗ đại học để sau này tự nuôi sống được bản thân”, Rô Píp trải lòng. Chị Dương Thị Tuyết, mẹ Rô Píp cho biết: “Mình bị bệnh hở van tim nặng, mọi việc đều trông chờ vào các con. Vụ ngô này, gia đình trồng được 5 sào, dự tính sẽ có một khoản tiền cho Rô Píp đi học nhưng không may gặp thời tiết nắng hạn nên thu hoạch chẳng được mấy”. Vì vậy, khi Rô Píp nhận giấy báo trúng tuyển đại học, mấy mẹ con vui mừng, nhưng cũng lo lắng không kém. Nhiều đêm thức giấc, nhìn con trai ngồi lặng lẽ mân mê tờ giấy báo trúng tuyển đại học, chị Tuyết biết, con trai đang cùng một nỗi lo như mình, làm thế nào có đủ tiền nhập học. Cũng vì kinh tế gia đình quá khó khăn, chị gái, anh trai của Rô Píp đã nghỉ học khi học lớp 10, chị Tuyết không muốn đứa con trai út dang dở việc học như anh, chị của mình!

Trên đây chỉ là 2 trong số những câu chuyện cổ tích về nghị lực vượt khó, vươn lên của những tân sinh viên được trao học bổng “Tiếp sức đến trường năm 2014”. Còn nhiều những tấm gương có hoàn cảnh đặc biệt nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ đã biết vươn lên trong cuộc sống, thi đỗ đại học, cao đẳng năm 2014 như: H’Nha Ksơr (ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn-Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Lê Thùy Dương (ngành Sư phạm Mầm non, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), Hoàng Thị Hà (ngành Kiểm toán, Đại học Kinh tế Luật-Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Hoàng Hồng Xuân (ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Đà Lạt), Đinh Nho Bảo (ngành Y Đa khoa, Đại học Tây Nguyên), Trần Thị Ánh (ngành Luật Kinh tế - Đại học Huế)…. Vẫn biết rằng, con đường đi đến ước mơ còn lắm chông gai, nhưng sự “tiếp sức” hôm nay là “bước ngoặt cuộc đời” tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm niềm tin để những chủ nhân tương lai của đất nước vững bước trên con đường chinh phục tri thức, trở thành người hữu ích cho xã hội.

Gia Nguyên  


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.