Em làm "nhà sáng chế"
Từ năm 2013 đến nay, Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức trở thành sân chơi trí tuệ giúp các em học sinh phát triển tư duy sáng tạo, bồi đắp ước mơ trở thành “nhà sáng chế”…
Nhóm tác giả học sinh Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar) với sản phẩm “Xe môi trường đô thị đa năng” giành giải Nhất tại Cuộc thi. |
Trong số những sản phẩm, mô hình đoạt giải, ấn tượng nhất là mô hình "Xe môi trường đô thị đa năng" của nhóm tác giả: Lê Đức Thông, Tô Hoàng Khang, Nguyễn Thành Luân (SN 1997, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar). Để chế tạo thành công mô hình này, ba em đã phải mất khoảng 2 tháng từ việc lên ý tưởng, tìm kiếm vật liệu, thiết kế, lắp ráp. Em Tô Hoàng Khang tâm sự: “Sau những giờ học trên lớp và tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chúng em tìm đến các cơ sở phế liệu xin hoặc mua một vài thứ vật liệu còn “sử dụng được” đem về cắt, gọt, chế tạo thành chiếc xe rác. Sau nhiều lần chạy thử nghiệm nhưng xe vẫn không hoạt động như mong muốn, không nản lòng, chúng em tiếp tục nghiên cứu, cải tiến những công đoạn chưa hoàn thiện. Sau 2 tháng “ăn ngủ” với xe rác, cuối cùng “đứa con tinh thần” xe môi trường đô thị đa năng cũng hoàn thành để dự thi. Chiếc xe thoạt nhìn rất giống với xe của các công ty vệ sinh môi trường hằng ngày đi thu gom rác thải trên đường phố. Tuy nhiên, chúng em thiết kế đơn giản hơn với một hệ thống máy móc có thể vừa quét rác, thu gom rác, vừa có hệ thống phun sương chống bụi, lại thêm chức năng tưới cây nữa. Chiếc xe “đa năng” này có thể giúp các công nhân môi trường đô thị tiết kiệm công sức và thời gian làm việc… Với ý tưởng độc đáo trên, mô hình này đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi năm nay.
Em Phan Ngọc Linh (học sinh lớp 8A5, Trường THCS 719, huyện Krông Pak với sản phẩm “Rô bốt bắn, gắp và nâng”. |
Ý tưởng của mô hình “Máy tái chế rác hữu cơ thành phân bón" của bạn Trần Thị Thanh Trúc (SN 1997, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Cư M’gar) cũng đã thuyết phục được Ban Giám khảo và giành giải Nhì tại cuộc thi. Sản phẩm của Trúc chủ yếu là tận dụng những vật liệu dễ kiếm như bình nước (bằng nhựa, inox) và ống nhựa để chế tạo. Sự độc đáo của mô hình này là sau khi thu gom rác thải sẽ chế biến thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng. Đồng giải Nhì còn có mô hình “Rô-bốt gắp, bắn và nâng” của em Phan Ngọc Linh (học sinh lớp 8A5, Trường THCS 719, huyện Krông Pak). Linh chia sẻ: “Hằng ngày đi học ngang qua các công trường xây dựng, em thấy các cô chú công nhân làm việc vất vả, nặng nhọc dưới cái nắng gay gắt và rất nguy hiểm khi phải nâng một vài thứ lên cao. Với mong muốn giúp công nhân xây dựng dễ dàng hơn và bảo đảm an toàn trong lao động, em suy nghĩ, lên kế hoạch làm ra sản phẩm có thể thay thế con người khi làm những công việc đó”. Việc đầu tiên là em tìm vật liệu cần thiết cho việc chế tạo “rô-bốt”. Em xin tiền bố mẹ và săn tìm động cơ đáp ứng các yêu cầu nhưng có giá thành hợp túi tiền. Ròng rã 7 tháng lắp ráp, sản phẩm: "Rô-bốt gắp, bắn và nâng” cũng ra đời. Rô-bốt thoạt trông có vẻ mảnh mai nhưng có thể nâng được những vật dụng nặng hơn trọng lượng của nó, có thể quay tới tất cả các hướng và di chuyển bằng bánh xe rất linh hoạt...
Tuy không đoạt giải cao tại cuộc thi, nhưng mô hình “Đồ chơi an toàn giao thông cho trẻ em” của em Bùi Đồng Đức An (học sinh lớp 1A3, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, TP. Buôn Ma Thuột) đã gây ấn tượng cho Ban Giám khảo và đông đảo khán giả tham dự bởi suy nghĩ rất đáng trân trọng của em Đức An chia sẻ: Mỗi ngày đến trường, em chứng kiến nhiều người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, tại các chốt đèn tín hiệu giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Vì vậy, với mô hình đồ chơi này em muốn các bạn học sinh tiểu học có ý thức hơn khi tham gia giao thông, hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ngoài những sản phẩm đoạt giải cao, tại cuộc thi còn có rất nhiều sản phẩm được các “nhà sáng chế” nhỏ tuổi tận dụng sản phẩm có sẵn từ tự nhiên và phế thải để chế tạo thành những sản phẩm hữu dụng, giàu tính sáng tạo như: “Ngôi nhà thân thiện với môi trường”, “Búp bê bằng giấy”, “Đèn ngủ bằng vỏ dừa”, “Máy lạnh di động”, “Nhà bằng tăm”, “Nhà sàn Bác Hồ”, “Tranh bằng vỏ trứng”...
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc