Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về tình thầy trò

09:13, 14/11/2014
Nhân dân ta có câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về người thầy giáo và đã trở thành truyền thống tốt đẹp bao đời nay – đó là “Tôn sư trọng đạo”.
 
Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mỗi người "Không thầy đố mày làm nên”. Vì thế vị trí của người thầy trong xã hội xưa chỉ đứng sau Vua và trước cả cha mẹ “Quân – Sư – Phụ” và ơn nghĩa thầy trò cũng như cha, như mẹ trong mọi xã hội "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.

Ngày nay, nghề dạy học được xã hội tôn vinh “là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Không thể phủ nhận vai trò của những người “đưa đò”. Biết bao thế hệ cán bộ, lãnh đạo, doanh nhân, trí thức thành tài, những thủ khoa đại học, những kỳ thủ trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, những quán quân giải thưởng trong nước và quốc tế làm rạng danh quê hương, non sông, đất nước luôn thấp thoáng phía sau đó là những người thầy giáo, cô giáo tận tâm với nghề bằng cả tri thức, tấm lòng, nhiệt huyết vì thế hệ trẻ. Cũng thật dễ hiểu khi người thầy giáo vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong lòng học trò.

Tuy nhiên, dưới tác động mạnh mẽ mặt trái của nền kinh tế thị trường, có không ít thầy cô “thương mại hóa” giáo dục, coi học trò như những khách hàng; thầy cô đua nhau mở lớp dạy thêm, “chạy sô” để tăng thu nhập biến học trò thành những cỗ máy vô cảm chỉ biết tiếp nhận những kiến thức sách vở, rập khuôn, máy móc. Bên cạnh đó, một số thầy cô giáo sa sút phẩm chất đạo đức nghề nghiệp khi dùng những hình phạt áp dụng lên những tâm hồn non nớt, làm méo mó hình ảnh đẹp đẽ của người thầy giáo.

Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn quên đi đạo nghĩa thầy trò. Cùng với sự bùng nổ về thông tin toàn cầu, hàng ngày, hàng giờ chúng ta buộc phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp như: học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại; thậm chí có những trường hợp học sinh đánh cả thầy, cô giáo của mình!

Cô và trò Trường Tiểu học  Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột  (ảnh minh họa).  Ảnh: Nguyên Hoa
Cô và trò Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyên Hoa

Trong cuộc sống ngày nay, khi mà sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩa thì vấn đề "tôn sư trọng đạo" và cùng với đó là tình nghĩa thầy trò càng phải tiếp tục được quan tâm hơn nữa. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Học làm người là quá trình kéo dài cả đời người. Suy nghĩ ở góc độ cá nhân, giá mà ai cũng biết rằng sẽ đến lúc chúng ta trưởng thành và tiếp tục dạy dỗ thế hệ sau và chính thế hệ con cháu chúng ta rồi cũng trở thành những học trò thì hẳn sẽ không có những cảnh thầy mạt sát trò, trò xúc phạm thầy.

Nền kinh tế tri thức đã và đang trở thành chủ đạo, đổi mới giáo dục ở nước ta luôn nhấn mạnh vấn đề lấy học sinh làm trung tâm. Đó là nhận thức, chủ trương đúng đắn của ngành Giáo dục, chính vì vậy vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm; thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những việc làm cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ, cách ứng xử của mỗi người và đặc biệt của chính những người trong cuộc, để mỗi độ tháng 11 về chúng ta lại hướng đến những người thầy giáo, cô giáo bằng tất cả tấm lòng tri ân sâu nặng.

Võ Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.