Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016: Hầu hết các trường đều xét tuyển

09:29, 15/06/2015

Năm học 2015-2016, hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đều xét tuyển vào lớp 6 và lớp 10, trừ 2 trường THPT: Chuyên Nguyễn Du và Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tổ chức thi tuyển. Việc không thi tuyển vào các lớp đầu cấp sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh (HS), nhà trường, tạo sự công bằng trong giáo dục và đỡ tốn kém cho xã hội.

Giảm áp lực thi cử

Trao đổi với báo chí, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT đã gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thành một kỳ thi 2 chung là THPT quốc gia năm 2015 với mong muốn góp phần giảm áp lực thi cho thí sinh, cho nhà trường và đỡ tốn kém cho xã hội. Thực hiện chủ trương đổi mới của Bộ, năm học 2015-2016 ngành Giáo dục mạnh dạn đổi mới việc tuyển sinh các lớp đầu cấp. Theo đó học HS học và xét tốt nghiệp THCS ở địa phương nào thì đăng ký xét tuyển vào lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn địa phương đó. Duy nhất 2 trường chuyên biệt là THPT Chuyên Nguyễn Du và THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tổ chức thi tuyển nhằm tuyển chọn những em HS xuất sắc để đào tạo chất lượng cao và giáo dục đặc thù cho tỉnh. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016 tiếp tục được xác định như một vài năm gần đây. Các trường THPT sẽ tuyển 24.875 em vào học lớp 10 trong tổng số hơn 30.000 HS tốt nghiệp THCS năm học 2014-2015 (chiếm tỷ lệ 82,9%), 3.050 em học hệ bổ túc THPT (chiếm 10,2%), còn lại 2.096 em sẽ học nghề.

Các em học sinh lớp 10 Trung tâm GDTX huyện Krông Pak  trong giờ học môn Ngữ văn. (Ảnh minh họa)
Các em học sinh lớp 10 Trung tâm GDTX huyện Krông Pak trong giờ học môn Ngữ văn. (Ảnh minh họa)

Các trường THPT căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện 4 năm học bậc THCS, không dựa vào kết quả học tập của năm học lớp 9 để xét tuyển. Ngoài xét duyệt học bạ của HS ở bậc THCS, các trường THPT còn căn cứ vào tiêu chí như: HS đoạt giải trong các cuộc thi các môn văn hóa, năng khiếu, thể dục thể thao,… do ngành GD-ĐT cùng các cơ quan phối hợp tổ chức để tính điểm khuyến khích, bên cạnh đó còn ưu tiên HS là con em gia đình chính sách. Tất cả các tiêu chí này sẽ được quy ra điểm cụ thể và thực hiện xét tuyển điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. HS học các trường phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS, HS dân tộc ít người gồm: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao; HS khuyết tật; HS đoạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học được tuyển thẳng vào các trường THPT tổ chức xét tuyển.

Bảo đảm công bằng trong giáo dục

Hình thức xét tuyển vào lớp 6 THCS và lớp 10 THPT năm học 2015-2016 nhận được sự đồng thuận của HS, phụ huynh và các trường THPT  “top dưới”. Thầy giáo Lê Văn Kiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (TP. Buôn Ma Thuột) phân tích: “Xét tuyển vào lớp 10 bảo đảm công bằng trong giáo dục cho HS, phụ huynh và nhà trường. Không thi tuyển, HS khá, giỏi không còn dồn về một vài trường “top trên”, do đó các trường sẽ bình đẳng như nhau, có sự cạnh tranh công bằng trong dạy học cũng như các hoạt động liên quan”. Thầy Kiệt chia sẻ thêm: “Cùng là giáo viên được đào tạo như nhau, hưởng lương, thưởng như nhau, nhưng khi dạy ở trường “top trên”, vị thế sẽ khác. Tuy không nói ra nhưng đôi khi giáo viên cảm thấy buồn. Chưa kể, khi xét thi đua cuối năm học các trường “top dưới” cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn bởi chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn không bằng các trường top trên”. Đồng suy nghĩ trên, một thầy giáo Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ) thổ lộ: “Đã là giáo viên ai cũng mong muốn HS học giỏi, chăm ngoan, đạt thành tích cao trong các kỳ thi HS giỏi, nhưng “có bột mới gột nên hồ”. Là trường “hứng” hầu hết HS tốt nghiệp THCS trên địa bàn không thi đỗ vào trường “top trên” vào học lớp 10, thậm chí có năm học tuyển không đủ chỉ tiêu thì mong muốn này rất khó. Với hình thức xét tuyển theo địa bàn cư trú, chất lượng HS được phân bổ đều cho các trường, các thầy, cô giáo cũng có thêm động lực để thể hiện năng lực”.

Trong khi các trường “top dưới” vui mừng với hình thức xét tuyển vào lớp 10, thì thầy, cô giáo và cả lãnh đạo các trường thuộc “top trên” có thể hơi hụt hẫng bởi xét tuyển chắc chắn chất lượng HS không đồng đều bằng thi tuyển. Thầy giáo Phan Văn Tô, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An chia sẻ: “Những năm trước, trường được tuyển HS trên địa bàn thành phố, chất lượng đầu vào khá đồng đều. Vì vậy, nhà trường, thầy, cô giáo đỡ vất vả trong công tác quản lý, giảng dạy. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho HS học gần nhà, các trường sẵn sàng “chia” trách nhiệm. Chưa kể, không thi tuyển vào lớp 10 sẽ tiết kiệm một khoản ngân sách không nhỏ, trung bình mỗi hội đồng tuyển sinh từ 100-150 triệu đồng tùy theo chỉ tiêu tuyển sinh, chưa kể công tác phí, tiền chấm thi…”.

Hình thức xét tuyển vào lớp 10 ở hầu hết các trường THPT nhận được sự ủng hộ của HS, phụ huynh và các trường. Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn nếu thực hiện không chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng “chạy điểm, chạy hộ khẩu” để vào học ở những trường có chất lượng. Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Vấn đề này đã được đề cập và bàn bạc rất kỹ trong quá trình xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016. Sở GD-ĐT sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là những huyện, thị xã, thành phố có nhiều trường THPT để cùng thực hiện công tác tuyển sinh đúng quy định, công bằng, khách quan, đặc biệt là có những biện pháp “siết” tình trạng phụ huynh chạy hộ khẩu, chạy điểm, chạy trường, tạo sự công bằng thực sự trong môi trường giáo dục”.

Một vấn đề khác đáng quan tâm khi thực hiện hình thức xét tuyển là cần có sự công tâm trong tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc phân tuyến tuyển sinh nhằm bảo đảm mục tiêu “công bằng trong giáo dục”.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.