Đào tạo nguồn nhân lực trung cấp chuyên nghiệp: Thiếu sự gắn kết chặt chẽ với thực tế sản xuất
Thiếu sự gắn kết chặt chẽ với thực tế sản xuất là hạn chế lớn nhất trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hiện nay được các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đến từ Bộ GD-ĐT, các trường TCCN khu vực miền Trung - Tây Nguyên chỉ ra tại Hội thảo “Giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo TCCN” do Sở GD-ĐT Dak Lak tổ chức cuối tháng 6 vừa qua.
Trông ra nước bạn...
Mô hình đào tạo gắn nhà trường với doanh nghiệp (DN) đã được áp dụng từ rất lâu ở một số nước phát triển. Tiêu biểu phải kể đến mô hình kép của Cộng hòa liên bang Đức và các quốc gia nói tiếng Đức, mô hình đào tạo linh hoạt của Na Uy, mô hình đào tạo nguồn nhân lực cho DN địa phương của Nhật Bản… Theo mô hình đào tạo kép của Đức, việc đào tạo nghề được thực hiện song song giữa nhà trường với DN. Người học được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản tại các trường nghề, sau đó được rèn luyện và phát triển kỹ năng nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất. DN được phép tham gia rộng rãi vào các hoạt động đào tạo nghề thông qua các quy định của nhà nước được cụ thể trong Luật dạy nghề. Mô hình đào tạo kép khẳng định tính ưu việt bởi người học được rèn luyện kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu DN. Vì vậy gần đây nhiều quốc gia trên thế giới như Phần Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… đã áp dụng mô hình này cho công tác đào tạo nghề của nước mình.
Học sinh ngành Dược sĩ Trường Trung cấp Công nghệ Tây Nguyên đang thực tập. |
Còn theo quan niệm của người Nhật, nhà trường giáo dục cho người học về đạo đức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực nghề nghiệp ở mức độ cơ bản. Còn DN có trách nhiệm đào tạo bổ sung cho người học về năng lực làm việc chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu đặc điểm sản xuất của chính đơn vị. Như vậy đào tạo nguồn nhân lực có sự tham gia của 3 bên: nhà trường (phía cung cấp nhân lực), DN (phía có nhu cầu nhân lực), cơ quan chức năng làm cầu nối (quản lý ngân hàng nhân lực và giáo dục bổ sung). Theo đó nhà trường đăng ký với cơ quan chức năng làm cầu nối để được cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực, nhu cầu hợp tác của các DN. DN đăng ký nhu cầu và điều kiện tuyển dụng người lao động cho cơ quan chức năng làm cầu nối để được giới thiệu nguồn nhân lực phù hợp. Thông qua cơ quan chức năng làm cầu nối, lao động do nhà trường đào tạo luôn đáp ứng nhu cầu của DN, ngược lại DN tiếp nhận người lao động phù hợp với nhu cầu và đặc điểm sản xuất. Tuy nhiên DN có nghĩa vụ trả phí cho cơ quan chức năng làm cầu nối để làm nhiệm vụ lưu trữ thông tin nhu cầu nhân lực và công tác đào tạo bổ sung để người lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Ngẫm đến ta...
Thẳng thắn nhìn nhận, gần đây mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ TCCN không ngừng phát triển cả quy mô, chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người lao động và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước. Song nguồn lao động có chất lượng đáp ứng yêu cầu xã hội còn hạn chế. Nguyên nhân một phần là do công tác đào tạo chưa có sự gắn kết chặt chẽ với thực tế sản xuất. Vì vậy hoạt động đào tạo của nhà trường đòi hỏi phải gắn với nhu cầu của DN, chương trình đào tạo phải linh hoạt theo sự đa dạng ngành nghề trong sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm lao động có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Gần đây, một số trường TCCN trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã đổi mới mô hình đào tạo theo năng lực thực hiện. Dẫu mới “chập chững”, nhưng bước đầu khẳng định tính hiệu quả trong đào tạo cũng như khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho sản xuất. Thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Dak Lak) cho biết: “Từ năm 2006 đến 2014, các trường TCCN trên địa bàn tỉnh đã đào tạo trên 30 nghìn lao động, trong đó học sinh dân tộc thiểu số gần 6.000 em. Đáng nói qua thống kê sơ bộ của các trường, ước tính khoảng 80% học sinh TCCN tốt nghiệp tìm được việc làm. Kết quả này cho thấy, các trường có bước tiến bộ trong việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, trong đó có việc liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp”.
Học viên học nghề tại một cơ sở mộc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Từ mô hình đào tạo gắn nhà trường với DN của một số nước cho thấy, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo, mà còn có trách nhiệm của DN sử dụng lao động và cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó ở Việt Nam, bên cạnh một số ít DN quan tâm đến công tác đào tạo, vẫn còn không ít DN thiếu chia sẻ với các đơn vị đào tạo. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) phân tích: “Nếu DN cần một người thợ đáp ứng yêu cầu công việc chỉ mất thời gian đào tạo khoảng 2 tháng nhưng để phát triển bền vững thì nhất thiết người lao động phải có kiến thức nền. Điều này các DN không thể làm thay nhà trường. Đây là xu hướng chung trong đào tạo nghề của thế giới hiện nay”. Nhà trường và DN sẽ cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực dựa trên quan hệ hợp tác toàn diện có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của Nhà nước nhằm tạo ra sự công bằng, bền vững. Trong đó nhà trường chú trọng rèn luyện đạo đức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản; còn DN đào tạo năng lực nghề nghiệp nâng cao, phát triển đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp cho người học phù hợp với đặc điểm sản xuất của mình.
Để đạt được mục tiêu trên, phía cung cấp nhân lực và phía có nhu cầu nhân lực phải “ngồi lại” tìm hiểu nhu cầu của nhau, nói rõ mỗi bên cần gì và khi có cùng mối quan tâm về lợi ích thì tất yếu “cái bắt tay” chặt hơn.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc