Khi sinh viên được "bảo bọc" quá mức
1. Mới đây có một phụ huynh đến Phòng Chính trị và công tác học sinh sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên để ký xác nhận hồ sơ vay tín dụng ưu đãi dành cho học sinh sinh viên.
Vừa xem xét hồ sơ, nhân viên của phòng vừa hỏi: “Con bác đang đi thực tập hay sao mà bác phải lặn lội từ thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) lên tận đây để ký giấy xác nhận”. Vị phụ huynh trả lời: “Cháu bận học nên không có thời gian, nếu chờ đến tuần sau thì ngân hàng không giải quyết nữa”. Nghe vậy, chị nhân viên liền nói: “Bác tập hư cho con mình rồi. Việc này bác nên để em ấy làm. Và bác cũng nên nói cho em biết rõ thời gian quy định của đơn vị tín dụng, từ đó xây dựng kế hoạch, bố trí thời gian hợp lý để giải quyết công việc. Có như vậy, em ấy mới ý thức được trách nhiệm của mình, không ỷ lại vào bố mẹ”.
2.Tiết học chính trị dành cho sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Tây Nguyên đã bắt đầu hơn 15 phút, một sinh viên mới đến lớp. Giảng viên dừng bài giảng và hỏi: “Tại sao em đi muộn?”. Không chút ngần ngại, sinh viên trả lời: “Dạ do kẹt xe buýt ạ!”. Đúng lúc ấy, có 2 sinh viên khác cũng đến lớp muộn và cũng trả lời lý do đi muộn là: “Xe máy của em bị hỏng giữa đường”, “Em bị đau chân”. Nghe xong giảng viên ôn tồn nói: “Tôi không chủ ý hỏi các em nguyên nhân đến lớp trễ mà muốn các em nhận ra việc đi trễ ít nhiều gây tâm lý phân tán đối với các bạn để lần sau không vi phạm nữa”.
Sinh viên Khoa Y Trường Đại học Tây Nguyên khám bệnh cho người nghèo huyện Buôn Đôn. |
Hai câu chuyện trên không phải cá biệt đối với những học sinh, sinh viên hiện nay bởi có nhiều cô cậu từ nhỏ được bố mẹ nuông chiều, khi xa gia đình quá thụ động, thiếu sự tự tin. Thạc sĩ Phạm Trọng Lượng, Trưởng Phòng Chính trị và công tác học sinh sinh viên nhận xét: “Khi mắc lỗi, một số học sinh, sinh viên không nhận ra nguyên nhân là do mình mà tìm một lý do nào đó để đổ lỗi, biện hộ. Nguyên nhân một phần do các em được bố mẹ “bao bọc” quá kỹ dẫn đến thụ động khi bước vào đời và luôn có tâm lý “trông chờ, ỷ lại”, ngay cả trong học tập”. Thạc sĩ Lượng dẫn chứng: “Mới đây, nhà trường cảnh cáo và buộc thôi học hơn 1.000 sinh viên vì có kết quả học tập không đạt quy định. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chung quy là do sinh viên thiếu ý thức trong học tập”. Nhiều sinh viên bị buộc thôi học cho biết, ngành nghề đang học là do bố mẹ chọn nên không hứng thú học tập. Một số sinh viên thì có tâm lý thi đỗ vào trường đại học rồi, học thế nào mà chẳng có bằng cử nhân nên không nỗ lực học tập nữa. Chính vì vậy, dù không thi rớt môn học nào, song vẫn không đủ điểm trung bình chung tích lũy, sau nhiều lần nhà trường cảnh báo vẫn không cố gắng cải thiện điểm số nên vẫn bị buộc thôi học.
Cây muốn tự đứng vững thì phải có bộ rễ chắc, bố mẹ nên tập cho con tự lo những công việc phù hợp với từng độ tuổi. Đôi khi cũng để con vấp ngã để tự đứng dậy, bởi sau mỗi lần vấp ngã con sẽ cứng cáp hơn và có thêm kinh nghiệm sống. Bố mẹ nên để con cái tự chọn và quyết định ngành nghề mình theo học phù hợp với năng lực, sở thích, có như vậy các em mới phát huy khả năng, phấn đấu đạt được mục tiêu, ước mơ và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc