Loay hoay tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (Kỳ I)
Với chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tăng theo từng năm, cộng với quy định khá mở là các trường ĐH, CĐ có nhiều phương án tuyển sinh (xét kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ THPT) khiến công tác tuyển sinh của các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn tỉnh vốn đã khó, giờ càng chật vật hơn.
Kỳ I: Nguồn tuyển sinh giảm
Hy vọng kết thúc đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung đợt 3 (đây là đợt tuyển thứ 4 của các trường ĐH, CĐ), tình hình tuyển sinh vào TCCN sẽ khả quan hơn, nhưng số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ nhập học vẫn thưa thớt…
Thưa vắng thí sinh
Vài năm trở lại đây, các trường TCCN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khá khó khăn, năm 2015 tình hình càng ảm đạm hơn. Năm 2015, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Đắk Lắk đăng ký với Bộ GD-ĐT 900 chỉ tiêu, trong đó 600 chỉ tiêu hệ chính quy và 300 chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm. Thế nhưng đến hết ngày 13-10 chỉ mới có 148 HS nhập học, trong đó hệ chính quy 108 em, hệ vừa học vừa làm 48 em, đạt khoảng 15% chỉ tiêu. Thạc sĩ Võ Ngọc Trịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Biết trước khó khăn trong công tác tuyển sinh, thay vì chỉ về các trường THPT để tư vấn, phát tờ rơi như các năm trước, nhà trường chủ động đổi mới hình thức tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Các em HS có thể đăng ký nhập học trực tuyến hoặc nộp hồ sơ nhập học tại 8 điểm tuyển sinh được nhà trường đặt tại các trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh. Mặc dù đăng ký chỉ tiêu với Bộ GD-ĐT là như vậy, song nhà trường chỉ mong có khoảng 300 em nhập học… coi như thành công, nhưng xem chừng kết quả không như mong đợi”. Tình hình tuyển sinh tại Trường Trung cấp Đắk Lắk năm 2015 cũng khá chật vật. Đến ngày 15-10, trường mới tuyển được khoảng 200 HS trong tổng số 450 chỉ tiêu. Ông Võ Văn Chúng, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Công tác tuyển sinh năm nay rất khó khăn do nguồn tuyển sinh giảm nhiều so với các năm học trước”. Trong lúc ấy, tại các trường TCCN ngoài công lập vốn là “điểm sáng” của giáo dục nghề nghiệp Đắk Lắk, tình hình tuyển sinh cũng không sáng sủa hơn là mấy. Đơn cử như Trường Trung cấp Tây Nguyên-đơn vị nhiều năm liền tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao, nhưng đến trung tuần tháng 10-2015 cũng chỉ tuyển được 550 chỉ tiêu trong tổng số 1.100 chỉ tiêu (giảm gần 50% so với các năm học trước). Hay phân hiệu Trường Trung cấp Bách Nghệ Thanh Hóa chi nhánh Đắk Lắk, đến ngày 3-9-2015 mới nhận được 391 hồ sơ trong tổng số 990 chỉ tiêu và chỉ có 251 em nhập học, so với cùng thời điểm năm 2014, số lượng nhận hồ sơ bằng 40% và số lượng nhập học bằng 35%.
Lớp học văn hóa của Trường Trung cấp Đắk Lắk “vắng” học sinh. |
Đầu ra èo uột!
Trao đổi về tình hình tuyển sinh năm 2015, hầu hết lãnh đạo trường TCCN trên địa bàn tỉnh đều thở dài, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đã khiến các trường ĐH, CĐ nhóm dưới và trung cấp nghề “dài cổ” chờ thí sinh. Một khi cánh cửa vào trường ĐH, CĐ “mở toang” thì chẳng có ai dại gì vào học cao đẳng, trung cấp! Theo đại diện phân hiệu Trường Trung cấp Bách Nghệ Thanh Hóa chi nhánh tại Đắk Lắk, thì: “Bên cạnh tâm lý mặc cảm chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo, một số đơn vị sử dụng lao động không muốn tuyển dụng HS tốt nghiệp khối trường chuyên nghiệp ngoài công lập đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh”. Ngoài ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, một số lượng không nhỏ sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ không tìm kiếm được việc làm, vì vậy HS sau khi tốt nghiệp THPT không mặn mà khi dự tuyển vào các trường trung cấp, với lý do ĐH, CĐ còn chẳng tìm được việc, huống hồ gì TCCN!
Các ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe không còn hấp dẫn học sinh. Trong ảnh: Giờ thực hành của học sinh ngành Điều dưỡng Trường Trung cấp Tây Nguyên. |
Một nguyên nhân quan trọng khiến công tác tuyển sinh TCCN khó khăn là nhu cầu học các ngành thuộc lĩnh vực y tế giảm mạnh, nên số lượng HS đăng ký dự tuyển vào các ngành học này năm nay dự kiến đạt khoảng 50 - 60% so với năm 2014. Theo báo cáo của Phân hiệu Trường Trung cấp Bách Nghệ Thanh Hóa chi nhánh tại Đắk Lắk gửi cho Sở GD-ĐT ngày 12-10-2015, trong tổng số 391 hồ sơ dự tuyển thì ngành Sư phạm mầm non đã chiếm 237 hồ sơ, còn lại như Y sĩ 58 hồ sơ, Dược sĩ 47 hồ sơ... Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Thiết, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên cho biết: “Các ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe không còn hấp dẫn đối với HS nữa, bởi nhu cầu nguồn nhân lực của khối ngành này đã bão hòa, khó xin việc làm. Với ngành điều dưỡng, dược sĩ tình hình tuyển sinh tạm ổn vì còn có cơ hội kiếm việc làm hoặc học liên thông, riêng ngành y sĩ nhà trường đã dừng tuyển sinh vì cơ hội việc làm không có”.
“Không như trước đây, nếu thi rớt ĐH, CĐ, một số lượng không nhỏ HS chọn học nghề, thì năm nay qua tìm hiểu của một số trường TCCN, các em không chọn học nghề mà quyết định ôn tập để chờ kỳ thi năm sau đăng ký vào ngành mình yêu thích”, thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) cho biết.
(còn nữa)
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc