Nhân viên thư viện không chỉ là người giữ sách
Không chỉ quản lý thư viện giỏi, cô Châu Hoàng Quyên, nhân viên thư viện Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP. Buôn Ma Thuột) còn biết cách giao tiếp, đặc biệt là tài giới thiệu sách thu hút đông đảo giáo viên, học sinh đến với thư viện.
Cửa hàng hạt giống
“Thượng đế vốn đã gieo một hạt giống trong lòng mỗi người, song hạt giống ấy sinh trưởng, phát triển, đơm hoa, kết trái như thế nào đều phải dựa vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Chỉ những ai yêu cuộc sống, yêu công việc mới có thể vượt qua gian khổ đi đến vinh quang. Học tập là nền tảng của việc tự giúp mình; là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn. Đúng như tựa đề cuốn sách “Cửa hàng hạt giống” gieo lòng vào ta hạt giống của tình yêu, niềm vui, trí tuệ và sự kiên cường. “Cửa hàng hạt giống" là cuốn sách “gối đầu giường” cho những ai có hoài bão vươn lên trong cuộc sống” – cô Châu Hoàng Quyên kết thúc phần thi giới thiệu sách trong tiếng vỗ tay tán thưởng của Ban Giám khảo, thí sinh và đông đảo khán giả tại Hội thi Cán bộ, giáo viên thư viện giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2014. Khi một thành viên Ban Giám khảo đề nghị giới thiệu cái hay, cái đẹp và khái quát nội dung của quyển sách gói gọn trong 2 câu, cô trả lời: “Nếu mọi người muốn ngôi nhà mình có một vườn hoa xinh đẹp, nhiều màu sắc thì tìm đến cửa hàng hạt giống theo nghĩa đen, còn muốn tâm hồn mình đẹp hơn thì hãy tìm đến quyển sách “Cửa hàng hạt giống”. Một bộ sách nổi tiếng về các câu chuyện nghệ thuật sống và giá trị đạo đức, khơi nguồn cảm hứng và thúc đẩy con người vươn lên trong mọi nghịch cảnh, chiến thắng chính mình và sống xứng đáng với phẩm giá của mình”. Một lần nữa cả hội trường lại vang tiếng vỗ tay. Vượt qua nhiều thí sinh, cô Quyên đoạt giải xuất sắc cấp tiểu học của Hội thi. Trước đó, ở Hội thi cấp tỉnh cô đã đoạt giải Nhất.
Cứ đến giờ ra chơi, học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP. Buôn Ma Thuột) lại đến thư viện đọc sách. |
Thư viện trường học không phải là kho giữ sách
Tốt nghiệp chuyên ngành Thư viện Thông tin Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, năm 2009 cô Quyên về nhận công tác tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng. Lúc ấy, trường chưa có thư viện mà chỉ có một tủ sách nhỏ, với vài trăm quyển sách dùng chung cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Do chưa có thư viện, lại không có nhân viên chuyên trách, nên cả giáo viên và học sinh “thờ ơ” với tủ sách. Điều đó khiến cô Quyên trăn trở làm sao để thu hút được cán bộ, giáo viên đến với thư viện và tạo được thói quen đọc sách cho học sinh? Sau đó nhà trường được đầu tư xây dựng 1 phòng thư viện rộng 40 m2, cô sắp xếp, bài trí lại kho sách một cách khoa học gồm 5 tủ: sách giáo khoa; truyện thiếu nhi; sách nghiệp vụ; sách tham khảo; báo, tạp chí. Diện tích thư viện “khiêm tốn” nhưng nhờ cách bố trí hợp lý, khoa học, không gian phòng đọc thoáng mát, sạch sẽ nên giáo viên và học sinh rất thích đến. Để “hấp dẫn” bạn đọc, cô Quyên thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu sách theo chủ điểm, thành lập đội ngũ cộng tác viên thư viện… Từ khi đảm nhận vị trí nhân viên thư viện đến nay, cô Quyên đã giới thiệu hơn 250 đầu sách đến với giáo viên, học sinh, nhờ đó số lượt cán bộ, giáo viên, học sinh đến thư viện đọc sách, mượn sách về nhà tăng đáng kể. Cô giáo Lê Kim Diên, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Thái độ phục vụ tận tình, thân thiện của cán bộ thư viện đã thu hút được 70% cán bộ, giáo viên và 98% học sinh đến với thư viện. Năm 2011, thư viện nhà trường được công nhận “Thư viện đạt chuẩn” của trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I”.
Thư viện trường học có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đọc, phát triển tư duy, đáp ứng nhu cầu về thông tin cho giáo viên, học sinh. Nhân viên thư viện không đơn thuần chỉ là người giữ sách mà phải là “cầu nối” để đưa sách đến với bạn đọc. Tuy nhiên, học sinh ngày nay bận rộn với việc học ở nhà trường và học thêm nên ít có thời gian “thả hồn” vào những trang sách, nhu cầu đọc của các em cũng rất đa dạng, nhưng thư viện trường học lại ít được quan tâm đầu tư về mọi mặt, nhất là nguồn sách mới với nhiều thể loại, đặc biệt là các sách tham khảo, sách dành cho thiếu nhi. “Để thư viện trường học thật sự là nơi gần gũi, thu hút, lan tỏa văn hóa đọc cần sự nỗ lực, phối hợp từ các ngành, đặc biệt là nhà trường. Nhân viên thư viện chỉ thực hiện tốt vai trò “cầu nối” khi lãnh đạo nhà trường thực sự quan tâm hoạt động thư viện, quan tâm văn hóa đọc cho học sinh”, cô Quyên chia sẻ kinh nghiệm.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc