Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục-đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên

18:33, 29/02/2016

Ngày 29-2, tại TP. Buôn Ma Thuột, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TBXH tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1951/QĐ-TTg, ngày 1-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển GD-ĐT, dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015 (gọi là Quyết định 1951).

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.

Chủ trì hội nghị có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn. Tham dự hội nghị còn có đại diện một số bộ, ngành; đại diện lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên, các huyện miền núi giáp các tỉnh Tây Nguyên; các trường ĐH, CĐ, cơ sở dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1951, quy mô giáo dục mầm non, phổ thông tăng hằng năm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em trong vùng. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường đạt 79,89%; tỷ lệ huy động học sinh (HS) tiểu học trong độ tuổi đến trường đạt 98,13%; 100% huyện có đông HS dân tộc thiểu số (DTTS) có trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); tỷ lệ huy động HS tốt nghiệp THCS, THPT vào học trung cấp chuyên nghiệp đạt khoảng 17%; tỷ lệ sinh viên/vạn dân khoảng 230 người; 92,6% đơn vị hành chính cấp xã có trung tâm học tập cộng đồng…

Giai đoạn 2011-2015, toàn vùng tuyển sinh 427.921 người học nghề, tăng gấp 3,7 lần so với giai đoạn 2006-2010. Tính riêng chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn đã đào tạo nghề cho 213.516 người, trong đó gần 50% là người DTTS; kết quả sau học nghề có 159.577 người tìm được việc làm, 6.163 hộ thoát nghèo sau học nghề…
 

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên thực hành nghề. Ảnh: Minh họa
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên thực hành nghề. Ảnh: Minh họa

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GD-ĐT và dạy nghề của các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, như tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở cấp THCS, THPT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề…

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết  về công tác GD-ĐT, dạy nghề như: Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch cơ sở GD-ĐT phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của vùng và từng địa phương; sắp xếp, tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề cấp huyện; củng cố, phát triển mạng lưới trường PTDTNT; xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT… Giai đoạn 2016-2020 phấn đấu dạy nghề cho khoảng 680.000 người.
 

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.