Multimedia Đọc Báo in

Cần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh sát với thực tế cuộc sống

08:21, 07/05/2016
Hiện nay, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung giáo dục đặc biệt quan trọng ở các trường phổ thông. Không chỉ tìm hiểu những tri thức khoa học của các môn học, học sinh còn được giáo dục về các kỹ năng cơ bản để phát triển năng lực cá nhân, giúp các em cùng chung sống, thích ứng với môi trường sống tự nhiên và xã hội, tự tin trong cuộc sống và am hiểu những vấn đề xã hội.
 
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống được đẩy mạnh trong từng năm học với những nội dung phong phú. Hầu hết các môn học đều lồng ghép, tích hợp giáo dục kỹ năng sống gắn với đặc thù bộ môn nhằm hình thành, rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết để các em áp dụng vào thực tế đời sống. Cùng với đó là các hoạt động ngoại khóa, thi tìm hiểu, giải quyết tình huống được các trường tổ chức tại các giờ chào cờ, sinh hoạt tập thể, sinh hoạt lớp… 
Học sinh cần được trao đổi những khó khăn của mình trong sinh hoạt tập thể.
Học sinh cần được trao đổi những khó khăn của mình trong sinh hoạt tập thể.
 
Tuy nhiên, cần xem xét lại hiệu quả của công tác này đối với học sinh trong thực tế đời sống. Vì xét cho cùng, giáo dục kỹ năng sống là công việc mà hiệu quả của nó không thể đo đếm, đánh giá trên sách vở, giáo án mà là hiện thực sinh động trong cuộc sống của các em. Từ thực tiễn sinh động của công tác giáo dục kỹ năng sống với nhiều nội dung phong phú, nhiều hình thức đa dạng, chúng ta thấy gì từ việc vận dụng những kỹ năng đó của học sinh trong cuộc sống hằng ngày? Chúng ta đã và đang phải chứng kiến những chuyện đau lòng từ học đường đến cuộc sống liên quan đến học sinh các cấp. Bạo lực học đường, học sinh bị đánh đập, dâm ô, hàng loạt những vụ học sinh bị chết đuối, học sinh văng tục chửi bậy, học sinh mang thai ngoài ý muốn, học sinh bỏ nhà đi… Đó là một số vụ việc trong nhiều điều đáng buồn đối với tuổi trẻ học đường hiện nay. Lỗi do ai? Do chính bản thân các em ? Do sự dạy bảo của cha mẹ? Do nhà trường không trang bị kỹ năng cho các em hay do hoàn cảnh xã hội xô đẩy, lôi kéo....? 
 
Giá như mỗi học sinh có được những kỹ năng cần thiết và tối thiểu để tránh được những tình huống xấu trong cuộc sống, giá như các em có được những kỹ năng để ứng xử đúng mức với mọi người xung quanh thì có lẽ các em sẽ tự bảo vệ được mình, tự biết mình phải ứng xử như thế nào với cái tốt, cái xấu, với những cạm bẫy trong cuộc sống. Vẫn biết trong những kế hoạch, trong những trang giáo án có lồng ghép tích hợp giáo dục kỹ năng sống của các trường khá chi tiết và cụ thể. Nhưng nếu những biện pháp giáo dục ấy chỉ dừng lại ở trang giấy một cách hình thức, chỉ bó hẹp trong phạm vi học đường thì các em khó có thể vận dụng, xoay xở với vô vàn tình huống trong cuộc sống sau giờ học. 
Từ những tình huống giả định, các nhà trường cần đưa học sinh đến với thực tế cuộc sống bằng những biện pháp cụ thể trong từng tình huống, từng vụ việc, những điều mà các em có thể sẽ gặp trong cuộc sống thường ngày. Các thầy cô giáo trong quá trình tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần định hướng giúp học sinh những biện pháp xử lý, cách ứng xử trước một tình huống hay một vụ việc nào đó. Như thế, các em sẽ vừa tránh được những vụ việc đáng tiếc xảy ra, vừa tự mình biết cách xử lý vụ việc khi gặp phải. 
 
Nguyễn Thế Lượng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.