Multimedia Đọc Báo in

Trường Trung cấp Đam San: Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

10:15, 21/06/2016
Trường Trung cấp Đam San được thành lập trên cơ sở thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.
 
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn xác định nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực góp phần xây dựng các tỉnh Tây Nguyên trong từng giai đoạn cụ thể. Lúc mới thành lập, Trường chỉ đào tạo 4 mã ngành: Quản lý văn hóa, Hướng dẫn du lịch, Tài chính ngân hàng, Nghiệp vụ lễ tân. Nhằm góp phần giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non cho các tỉnh khi thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Trường mở thêm mã ngành Sư phạm Mầm non. Theo điều tra của nhà trường, hầu hết học sinh (HS) ngành Mầm non và các ngành học khác của trường tốt nghiệp ra trường đều có việc làm. Tiếp đó, Trường mở thêm các ngành đào tạo thuộc khối sức khỏe và một số ngành đào tạo khác, nâng tổng số ngành đang đào tạo hiện nay lên 8 ngành, gồm: Dược sĩ, Y sĩ Đa khoa, Điều dưỡng, Quản lý văn hóa, Sư phạm Mầm non, Nghiệp vụ lễ tân, Hướng dẫn du lịch và Tài chính ngân hàng.
Học sinh khối ngành sức khỏe Trường Trung cấp Đam San đang thực hành.
Học sinh khối ngành sức khỏe Trường Trung cấp Đam San đang thực hành.

Từ khi thành lập (năm 2010) đến nay, Trường Trung cấp Đam San không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; quy mô đào tạo không ngừng được mở rộng với hơn 1.000 HS, sinh viên (SV), chất lượng đào tạo được xã hội khẳng định, với tỷ lệ  HS, SV tốt nghiệp có việc làm cao. Ngoài đào tạo các mã ngành hệ chính quy, để tạo điều kiện cho người học tiếp tục nâng cao trình độ, Trường liên kết với các trường đại học, cao đẳng, học viện có uy tín trong nước như: Học viện Tư pháp, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, Đại học Trà Vinh, Viện Sư phạm - Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo một số ngành nghề địa phương đang có nhu cầu. Đặc biệt nhà trường nhanh chóng mở các lớp đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cho đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ GD-ĐT với thời gian đào tạo từ một năm đến một năm rưỡi. Hình thức đào tạo mới này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, HS đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có thêm tấm bằng phù hợp để thuận lợi trong quá trình tìm kiếm việc làm ở một số ngành nghề địa phương đang có nhu cầu.

 
Ông Nguyễn Thái Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với quy định hiện nay thì HS học hết lớp 9 có thể đi học TCCN, góp phần phân luồng trong đào tạo. Việc học nghề sớm có những lợi ích không thể phủ nhận như: rút ngắn thời gian học tập và tiếp cận nghề nghiệp; tiết kiệm chi phí học tập; xây dựng tinh thần tự học, tự nâng cao tay nghề; tích hợp thêm các kỹ năng mềm. Đặc biệt, HS học hệ TCCN được trang bị trình độ chuyên môn chuyên nghiệp cho nghề nghiệp sớm nên có ưu thế vượt trội trong khả năng tự lập so với các bạn cùng lứa tuổi. Có thể khẳng định, trong những năm qua Trường Trung cấp Đam San đã góp phần đáp ứng một phần phát triển nguồn nhân lực của khu vực Tây Nguyên, là nơi được phụ huynh cũng như các em HS, SV lựa chọn cho việc định hướng và tiếp cận nghề nghiệp.
Để phát triển đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường đã đổi mới tư duy, nhận thức về đào tạo; thiết lập hệ thống thông tin về thị trường đào tạo, thị trường lao động và thị trường việc làm (thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ việc làm cho HS, SV; Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học); đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng nhu cầu của xã hội, trong đó xác định nâng cao chất lượng đào tạo là khâu đột phá. Từ nhu cầu phát triển của xã hội, Trường Trung cấp Đam San định hướng phát triển thành trường cao đẳng đa ngành. Hiện nay, nhà trường đang thực hiện các bước để đưa vào tuyển sinh hệ cao đẳng trong năm học 2017-2018; dự kiến sẽ mở thêm một số ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Tây Nguyên, như nông - lâm…
 
Gia Nguyên
 

Ý kiến bạn đọc