Thêm động lực đến trường cho học sinh vùng khó
Ngày 18-7-2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2016- NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Nghị định này thay thế các Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg và Quyết định 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Học sinh thuộc diện thụ hưởng chính sách này sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà và gạo (không quá 9 tháng/năm học); còn nhà trường được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, gồm: nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú... Cụ thể, về tiền ăn, học sinh thuộc diện thụ hưởng chính sách này được Nhà nước hỗ trợ bằng 40% mức lương cơ sở. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở. Và mỗi em được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng. Ông Phạm Tiến Hải, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT) cho biết: “Dù mức hỗ trợ/học sinh của Nghị định 116 không thay đổi so với các Quyết định trước đó, nhưng mức lương cơ sở đã được điều chỉnh do đó phần nào giúp học sinh vùng khó bớt khó khăn, yên tâm đến trường”. Được biết, trong 3 năm học (từ năm học 2013-2014 đến năm học 2015-2016), tỉnh Đắk Lắk đã được hỗ trợ hơn 1.396 tấn gạo theo Quyết định 36 của Chính phủ (tương đương 12 tỷ đồng); 46 tỷ đồng theo Quyết định 12/2013/QĐ-TTg và hỗ trợ gần 2,7 tỷ đồng cho học sinh 8 trường phổ thông dân tộc bán trú theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg (chưa tính hỗ trợ cho 3 trường phổ thông bán trú - vì các trường này, ngân sách cấp trực tiếp cho UBND huyện).
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M'Đrắk) được đầu tư khang trang. |
Với đặc thù tỉnh miền núi, nhằm tiếp thêm động lực để học sinh dân tộc thiểu số gắn bó hơn với trường lớp, những năm qua tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 trường phổ thông dân tộc bán trú tại 2 huyện Krông Búk và M’Đrắk và đã tiếp nhận gần 1.200 học sinh. Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng đã tổ chức bộ phận bán trú ở 8 trường THPT cho hơn 650 học sinh dân tộc thiểu số nhà ở xa trường, giao thông khó khăn không thể đến trường và trở về nhà trong ngày. Thực tế cho thấy, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú không chỉ động viên các em gắn bó với trường lớp, hạn chế tình trạng học học sinh bỏ học mà còn góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng trong tỉnh.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M’Đrắk) là một trong những điển hình về hiệu quả của việc tổ chức bán trú cho học sinh. Ở trường, các em được thầy cô giáo chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập, nhờ đó nỗi lo và áp lực của Ban Giám hiệu, của ngành Giáo dục huyện về tình trạng học sinh bỏ học đã được “gỡ bỏ”. Thầy Nguyễn Đình Thiện, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhờ có nhà bán trú dân dựng, việc huy động học sinh đến trường dễ dàng hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Năm học đầu tiên khi thành lập (2010-2011), trường chỉ có 122 học sinh, đến năm học 2016-2017 đã có 530 em, trong đó có 250 em thuộc đối tượng bán trú. Đặc biệt, từ khi có mô hình bán trú, mỗi năm học chỉ có 2-5 em bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn hoặc học lực quá yếu, trong khi đó trước đây mỗi năm có vài chục em bỏ học.
Theo Quy hoạch và phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025, Đắk Lắk có 9 trường phổ thông dân tộc bán trú (huyện Lắk có 2 trường, Cư M’gar 3 trường, M’Đrắk 2 trường, Krông Búk và Krông Bông mỗi huyện 1 trường”. Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, mô hình trường bán trú, trường có học sinh bán trú được mở rộng sẽ tạo điều kiện thu hút học sinh đến trường. Việc tổ chức dạy học, nuôi dưỡng tập trung góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc