Multimedia Đọc Báo in

Hơn 433 nghìn học sinh trong tỉnh chào đón khai giảng năm học mới

10:59, 05/09/2016

•Năm học 2016-2017: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục

Cùng với cả nước, hôm nay học sinh sinh viên trong tỉnh tham gia lễ khai giảng năm học mới 2016-2017. Đây là năm học thứ 2 các trường đồng loạt tổ chức khai giảng vào ngày 5-9 với tinh thần gọn nhẹ, trang trọng, tất cả vì học sinh.

Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 1.010 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông, với tổng số 433.549 học sinh, tăng 11 trường và 1.275 học sinh so với năm học trước. Để bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, ngành Giáo dục và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã huy động các nguồn lực được 112 tỷ đồng để cải tạo và xây mới phòng học, phòng bộ môn, phòng thiết bị, thư viện và các phòng chức năng theo điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Ngoài ra, các trường còn được đầu tư gần 26,5 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ chơi mầm non cho trẻ 5 tuổi; thiết bị dạy học ngoại ngữ đa phương tiện, dạy thể dục thể thao, giáo dục quốc phòng để đưa vào sử dụng trong năm học này. Nhờ đó, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trong tỉnh từng bước được cải thiện đáng kể, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt khoảng 61,33%.

Học sinh Trường Tiểu học, THCS &THPT Hoàng Việt náo nức tham dự Lễ khai giảng năm học 2016-2017.
Học sinh Trường Tiểu học, THCS &THPT Hoàng Việt náo nức tham dự Lễ khai giảng năm học 2016-2017.

Cô Trương Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư M’tar, huyện M’Đrắk) cho biết, năm học này trường có 324 học sinh, trong đó hơn 73% học sinh là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Hè vừa qua, trường được đầu tư xây dựng mới và tu sửa 6 phòng học, nhà hiệu bộ, sân bê tông, cải tạo hệ thống điện, quạt và một số công trình phụ trợ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất… phấn đấu được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm học này. Còn cô Lê Thị Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (huyện Krông Pắc) hồ hởi nói: “Năm học này trường có 1.032 học sinh, với 32 lớp học. Ngoài 200 triệu đồng do ngân sách đầu tư để tu sửa 2 phòng học đã hư hỏng nặng cho điểm trường lẻ, nhà trường còn vận động phụ huynh tự nguyện đóng góp tiền để lắp ráp lại hệ thống điện chiếu sáng, quạt cho các cháu. Trước ngày tựu trường (22-8), nhà trường đã huy động thầy cô giáo dọn dẹp vệ sinh sân trường, lớp học nhằm bảo đảm mỹ quan và môi trường học tập để đón chào năm học mới”.

Năm học 2015-2016, ngành GD-ĐT Đắk Lắk vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chất lượng giáo dục giữa các hệ đào tạo, giữa các trường, giữa các đối tượng học sinh và giữa các vùng chưa đồng đều. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia, học sinh giỏi quốc gia giảm so với năm học trước. Đội ngũ giáo viên, nhân viên các cấp học còn thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu các môn học; một số ít giáo viên còn hạn chế về năng lực chuyên môn, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT. Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt. Tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều ở các cấp học; vấn đề dạy thêm học thêm không đúng quy định vẫn gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống. Vì vậy, năm học 2016-2017 toàn ngành tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong các trường học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học nhằm bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Trong 5 nhiệm vụ trọng tâm ấy, thì nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đóng vai trò quyết định. Sở quyết tâm xây dựng, hoàn thiện đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, tạo bước chuyển biến nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục tỉnh nhà phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”.   

 Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.