Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin tích cực xây dựng gia đình hiếu học

10:50, 25/09/2016

Những năm qua, các cấp Hội Khuyến học huyện Cư Kuin đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH) và tích cực triển khai các nội dung tiêu chí của GĐHH đến tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, thôn, buôn, dòng họ; sáng tạo, cụ thể hóa các tiêu chí của GĐHH phù hợp với thực tế tại từng đơn vị, địa phương; lồng ghép phong trào xây dựng GĐHH với xây dựng gia đình văn hóa...

Xuất hiện nhiều tấm gương gia đình hiếu học

Qua phong trào, tại địa phương đã xuất hiện nhiều gương GĐHH tiêu biểu, trong đó có không ít gia đình dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn quyết tâm vượt khó, tạo điều kiện cho con em ăn học đến nơi đến chốn.

Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Ngọc Cường (thôn 6, xã Ea Ktur) dù phải bươn chải lo toan cuộc sống khó khăn nhưng luôn dành thời gian động viên, khuyến khích định hướng cho con cái trong quá trình học tập. Không phụ lòng mong đợi của bố mẹ, các con của ông bà đều chăm ngoan học giỏi, đạt nhiều thành tích cao. Cô con gái cả Nguyễn Thị Lệ Thủy tốt nghiệp loại giỏi Đại học Sư phạm Vinh, được kết nạp Đảng ngay tại trường và hiện đang công tác tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk); người con trai thứ hai Nguyễn Ngọc Chung đang là sinh viên năm thứ 4 khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, TP. Hồ Chí Minh); cậu út Nguyễn Ngọc Dũng cũng đang là sinh viên năm thứ 3, hệ cao đẳng khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh).

Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hanh, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin).
Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hanh, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin).

Ở thôn Kim Phát (xã Hòa Hiệp) có gia đình ông Nguyễn Tấn Đức và bà Trần Thị Thủy được mọi người nhắc đến là một tấm gương tiêu biểu về truyền thống hiếu học. Cuộc sống mưu sinh khó khăn, thấm thía sự thiệt thòi khi không có kiến thức, ông bà luôn tâm niệm rằng dù khó nghèo mấy cũng phải để các con được học hành. Hơn 20 năm qua, ông bà luôn tần tảo, thức khuya, dậy sớm làm việc, buôn bán, kiếm tiền nuôi các con ăn học. Hiểu được tấm lòng của cha mẹ, cả ba người con của ông bà đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Hiện nay, con gái đầu Nguyễn Thị Cẩm Quyên đang là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Y dược Huế; cô con gái thứ hai Nguyễn Thị Kiều Trinh là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh; cô con gái thứ 3 Nguyễn Như Quỳnh là học sinh lớp 10 Trường THPT Y Jut (huyện Cư Kuin).

Nhân tố khơi dậy phong trào khuyến học, khuyến tài

Theo thống kê của Hội Khuyến học huyện Cư Kuin, tính đến hết tháng 6-2016, toàn huyện có 6.997 hộ được công nhận GĐHH. Các GĐHH chính là nhân tố quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập suốt đời. Phong trào cũng đã khơi dậy sự cố gắng học tập của các em học sinh, tinh thần thi đua sôi nổi giữa gia đình, dòng họ, thôn, buôn. Hiện số lượng hội viên khuyến học trong toàn huyện là 12.413 người (chiếm 11,3% dân số của huyện).

Sự phát triển của các GĐHH còn góp phần tăng nguồn quỹ khuyến học. Trong những năm qua, các cấp Hội Khuyến học huyện Cư Kuin đã vận động các thôn, buôn, trường học, dòng họ, cơ sở tôn giáo, các mạnh thường quân… xây dựng Quỹ khuyến học được 2,6 tỷ đồng; qua đó, tặng học bổng, quà cho trên 900 học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi, hội thi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, học sinh là người dân tộc thiểu số (mỗi suất trị giá từ 200.000 – 500.000 đồng); hỗ trợ học bổng cho 28 học sinh, sinh viên với tổng trị giá 14 triệu đồng.

Quỹ Khuyến học của huyện và các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn huyện đã chi mỗi năm hàng trăm triệu đồng để khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học và xây dựng GĐHH. 

Hồng Khanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.