Multimedia Đọc Báo in

Dốc sức cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017

18:29, 26/12/2016
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia  (HSGQG) trung học phổ thông năm học 2016-2017 sẽ diễn ra vào các ngày 5, 6 và 7-1- 2017. Đắk Lắk có 66 học sinh dự thi, trong đó mỗi đội tuyển có 6 em, riêng  Vật lý, Hóa học và Địa lý mỗi môn có 8 em. 
 
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, năm học 2015-2016 có 23 học sinh đoạt giải quốc gia, giảm 12 giải so kỳ thi năm học trước, theo đó Đắk Lắk từ vị thứ Nhất cụm thi đua số 4 của Bộ GD-ĐT xuống vị thứ 3. Số lượng giải giảm có khá nhiều nguyên nhân, tuy nhiên buộc ngành Giáo dục phải nhìn lại chính mình, từ đó có những thay đổi trong công tác phát hiện tuyển chọn, đặc biệt là chiến lược bồi dưỡng để “giữ ngưỡng” thành tích trong kỳ thi HSGQG năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo.
 
Đội tuyển môn Vật lý tập trung ôn tập sẵn sàng bước vào kỳ thi quốc gia năm học 2016-201
Đội tuyển môn Vật lý tập trung ôn tập sẵn sàng bước vào kỳ thi quốc gia năm học 2016-2017.

Theo đó, Sở GD-ĐT tăng thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia kỳ thi HSGQG hơn một tháng so với mọi năm nhằm chuẩn bị vững vàng về kiến thức, kỹ năng làm bài cũng như tâm thế cho học sinh. Trao quyền chủ động cho các tổ bộ môn và Trường THPT Chuyên Nguyễn Du mời giảng viên có nhiều kinh nghiệm về giảng dạy một số chuyên đề mới hoặc tài liệu giảng dạy còn ít cho học sinh trong đội tuyển và cả giáo viên. Việc “tranh thủ chất xám” của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia năm nay hy vọng sẽ cho “trái ngọt”.

Thêm một điểm mới trong công tác bồi dưỡng HSGQG năm nay, Sở GD-ĐT đã cử một số giáo viên và học sinh trong đội tuyển tham gia các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi tổ chức tại Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội. Tham gia các lớp bồi dưỡng các em không những được bổ sung kiến thức chuyên sâu của từng chuyên đề mà còn được hướng dẫn kỹ năng làm bài, đặc biệt biết được đối thủ của mình trong kỳ thi sắp tới, từ đó xây dựng động cơ, thái độ và chiến lược học tập, quyết tâm đạt kết quả cao. Em Nguyễn Công Hoàng, lớp 12 chuyên Lý (Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) cho biết: “10 ngày tham gia lớp bồi dưỡng tại Hà Nội, không chỉ được học với các giáo sư, tiến sĩ mà em còn được gặp gỡ với học sinh từng đoạt 2 huy chương Vàng quốc tế môn Vật lý, được chia sẻ bí quyết, kỹ năng làm bài và giới thiệu tài liệu về nghiên cứu”.

Còn em Phạm Hoàng Thanh Tú, 12 chuyên Hóa (Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) thì bày tỏ: “Em không đoạt giải trong kỳ thi quốc gia năm lớp 11 một phần do chưa được học hết kiến thức và thiếu bình tĩnh, tự tin. Năm nay, em tập trung giải nhiều bài tập, học kỹ phần hóa vô cơ - đây là những phần em bị hỏng ở kỳ thi trước. Em hy vọng mình sẽ có huy chương”. 

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Du quyết tâm giành thành tích cao tại kỳ thi quốc gia năm học 2016-2017.
Thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Du quyết tâm giành thành tích cao tại kỳ thi quốc gia năm học 2016-2017.
 
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thái, Tổ trưởng Tổ Vật lý (Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) cho biết, từ đầu năm học 2016-2017 Ban Giám hiệu, thầy cô giáo và học sinh đã dồn sức cho kỳ thi HSGQG với quyết tâm đạt thành tích cao để giữ vững vị thứ xếp hạng. Ngoài truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, kỹ năng làm bài, thầy cô giáo còn giáo dục cho các em truyền thống, động viên, khích lệ, có khát vọng vươn đến đỉnh cao trong học tập đem vinh quang về cho mình, cho gia đình và xã hội.
 
“Hằng ngày, ngoài giờ ôn tập, các em trong đội tuyển của từng bộ môn tập trung lên thư viện học nhóm, chủ động trao đổi với giáo viên để hoàn thành các chuyên đề, các bài tập được giao về nhà. Đối với một số tiết học không quan trọng các em xin phép thầy cô giáo bộ môn để dành thời gian ôn luyện” - ông Nguyễn Văn Tư, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Du.
 
Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.