Multimedia Đọc Báo in

Trường trung cấp chuyên nghiệp vất vả tuyển sinh

08:14, 24/12/2016

Mùa tuyển sinh năm học 2015-2016 sắp kết thúc, thêm một năm nữa các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về tuyển sinh.

Thưa vắng… học sinh

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường TCCN được tuyển sinh đến cuối tháng 12, nhưng đến thời điểm này, nhiều trường vẫn thưa vắng học sinh.

Đơn cử Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk chỉ mới tuyển sinh đạt hơn 20% trong tổng số 900 chỉ tiêu hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học đăng ký với Bộ GD-ĐT. Tương tự Trường Trung cấp Đắk Lắk mới tuyển được 211 học sinh/450 chỉ tiêu; còn Trường Trung cấp Đam San tuyển được 484 học sinh (đạt tỷ lệ 56,2%)...  Ngay như Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk - đơn vị nhiều năm liên tục có tỷ lệ “chọi” khá cao cũng xin thay đổi phương án thi tuyển sang xét tuyển.

Học sinh Trường Trung cấp Đắk Lắk.
Học sinh Trường Trung cấp Đắk Lắk.

Đề cập đến tình hình tuyển sinh năm học 2015-2016, thạc sĩ Trần Thị Minh Lý, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk nói: “Chưa bao giờ công tác tuyển sinh lại khó khăn như năm nay dù nhà trường đã làm nhiều cách”. Trường giao nhiệm vụ cho Tổ đào tạo sát hạch bằng lái xe A1 hằng tháng về các địa phương trong tỉnh mở lớp lồng ghép tuyên truyền tuyển sinh TCCN; cử cán bộ, nhân viên Phòng Đào tạo về các trường THPT, trung tâm GDTX phổ biến, phát tờ rơi tuyển sinh tận tay học sinh; về các trường THCS trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thông tin đến các em chính sách miễn học phí học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS; gửi hồ sơ tuyển sinh tại các trường THPT, trung tâm GDTX để học sinh có nhu cầu đến nhận miễn phí; đăng ký học trung cấp trực tuyến qua trang web của trường. Tuy nhiên, số học sinh trường tuyển được vẫn chưa đủ chỉ tiêu.

Còn ông Nguyễn Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đam San thì cho hay, liệu trước tình hình khó khăn về nguồn tuyển sinh, nhà trường chủ động xin giảm chỉ tiêu đào tạo so với các năm trước. Năm 2016 chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 860 học sinh nhưng vẫn không tuyển đủ trong khi đó năm 2015 chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn với 1.420 học sinh. Một số ngành như: Tài chính ngân hàng, Nghiệp vụ lễ tân và Hướng dẫn du lịch không tuyển đủ học sinh để mở lớp.

Xoay… đủ đường

Trước tình hình tuyển sinh khó khăn, ngoài thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ TCCN, liên kết đào tạo các bậc học từ trung cấp lên hệ chính quy, vừa làm, vừa học… Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk đẩy mạnh các loại hình đào tạo ngắn hạn, như: sát hạch giấy phép lái xe hạng A1, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và các chứng chỉ nghiệp vụ khác; đồng thời mở các lớp sơ cấp nghề.

Học sinh Trường Trung cấp Đắk Lắk và doanh nhân trẻ cùng trao đổi về vấn đề khởi nghiệp.
Học sinh Trường Trung cấp Đắk Lắk và doanh nhân trẻ cùng trao đổi về vấn đề khởi nghiệp.

Còn Trường Trung cấp Đắk Lắk lại giải quyết bài toán thiếu nguồn tuyển bằng cách mở loại hình đào tạo trung cấp với thời gian 1 năm và hình thức đào tạo này khá thu hút người học. Nhiều sinh viên có bằng đại học, cao đẳng hoặc TCCN, thậm chí công chức, viên chức vẫn đăng ký học thêm để thuận tiện cho việc tìm kiếm việc làm, thi nâng ngạch. Cuối tháng 12 này, nhà trường khai giảng lớp đào tạo theo hình thức trên cho khoảng 80-100 người học. “Trong bối cảnh khó khăn về nguồn tuyển như hiện nay hình thức đào tạo 1 năm  giúp trường bớt khó khăn”, thạc sĩ Nguyễn Đình Thịnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tuyển sinh TCCN khó khăn có nhiều nguyên nhân, nhưng theo lãnh đạo một số trường TCCN, mấu chốt là do học trung cấp xin việc khó; mặt khác tâm lý “sính” bằng cấp đại học  ăn sâu vào nhận thức nên phụ huynh, học sinh không mặn mà cho con học nghề. Có một số ngành đào tạo, nhà trường cam kết sau khi ra trường sẽ có việc làm nhưng học sinh vẫn không học.

Xác định chỉ có xây dựng uy tín trên nền tảng chất lượng là cách thức duy nhất để bảo đảm đầu vào, bên cạnh công tác tuyên truyền, các trường TCCN đã đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn. Đặc biệt có trường còn mở lớp bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp nhằm giúp học sinh - sinh viên biết xây dựng ước mơ làm giàu và tìm ra hướng đi đúng để khởi nghiệp, tự tạo việc  làm cho mình.

Theo quy định, từ ngày 1-1-2017 trường TCCN sẽ do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Các trường sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ này ban hành. Việc chuyển đổi cơ quan chủ quản, khiến không ít trường TCCN trên địa bàn tỉnh lo lắng, song cũng mở ra một hy vọng sẽ “gỡ khó” về tuyển sinh.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.