Thực hiện các tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) có 2 tiêu chí liên quan đến ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), đó là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp tỉnh, Sở GD-ĐT đã tích cực tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14. Sở GD-ĐT đã phối hợp thường xuyên với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp danh sách đưa các trường học tại các xã nằm trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới để lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất. Có thể kể đến Đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008-2012; Dự án phát triển giáo dục THCS vùng khó khăn nhất; Chương trình bảo đảm chất lượng trường học (SEQUAP), Chương trình Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Chương trình xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia…
Cùng với đó, ngành Giáo dục còn chủ động tham mưu cho tỉnh tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục để xây dựng trường lớp học. Có thể kể đến Nghị quyết số 172/2015/NQ-HĐND, ngày 3-12-2015 quy định phân cấp, cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó tùy khu vực mỗi huyện, thị xã, thành phố được ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu từ 1,2 đến 1,7 tỷ đồng/năm để đầu tư xây dựng trường, lớp học mầm non. Hay như tỉnh đã tăng mức đầu tư xây dựng trường học đạt Chuẩn quốc gia từ 1,5 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng/huyện/năm.
Điều kiện học tập của học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) còn thiếu thốn. |
Mới đây, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1225/KH-UBND về việc xây dựng trường học đạt Chuẩn quốc gia giai đoạn 2017-2020 nhằm tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, giáo viên… Về phía các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch và có lộ trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Trên cơ sở kế hoạch xây dựng trường chuẩn, các địa phương tính toán nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp trường học, đồng thời huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Tính riêng năm học 2016-2017, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh trong tỉnh đã tự nguyện đóng góp hơn 40 tỷ đồng sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học. Nhờ đó đến nay trong tổng số 16.448 phòng học các cấp thì tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 65%, góp phần đáng kể đưa 69/152 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học tính đến hết quý II-2017 (đạt tỷ lệ 45,39%).
Về tiêu chí số 14, hằng năm ngành GD-ĐT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể cho công tác phổ cập cũng như phân luồng học sinh sau THCS. Năm 2016 tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt Chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỉnh đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I, đang phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2, 3 và hoàn thành phổ cập giáo dục THCS.
Trao đổi về việc thực hiện 2 tiêu chí trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa cho biết chặng đường phía trước đầy thách thức bởi thực trạng thu ngân sách của tỉnh đang gặp khó khăn. Trong khi đó để giải quyết bài toán về trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD-ĐT cần một khoản kinh phí không nhỏ. Hiện nay, dù tỷ lệ phòng học kiên cố của toàn tỉnh đã đạt 65%, nhưng ở bậc học mầm non và bậc tiểu học tỷ lệ này mới đạt 54 - 55%. Toàn tỉnh còn thiếu 800 phòng học các cấp; 112/2.151 thôn, buôn chưa có phòng, lớp mầm non; 3/184 xã, phường chưa có trường THCS; nhiều trường mầm non, tiểu học có nhiều điểm lẻ, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, thiếu phòng chức năng. Đặc biệt về công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục vẫn còn 5% số người trong độ tuổi chưa biết chữ. Đa phần những người này đã lớn tuổi, là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do vào lập nghiệp… Do đó, ngành Giáo dục rất cần các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học cũng như duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để góp phần hoàn thành các tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14 trong xây dựng NTM theo đúng kế hoạch.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc