Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc của những người thầy mang quân hàm xanh

09:56, 29/12/2017

Nặng lòng với công tác xóa mù chữ, các anh – những người lính đến từ Bộ đội Biên phòng tỉnh được nhân dân vùng biên gọi với cái tên thân thương là thầy giáo quân hàm xanh.

Miệt mài “gieo” chữ

Đêm đến, khu vực biên giới trở nên tĩnh lặng hơn, nhưng tại Trường Tiểu học Cầm Bá Thước (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) vẫn vang lên tiếng học sinh tập đọc. Điều đặc biệt, học sinh là những người tóc đã ngả màu sương, còn thầy giáo là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo. 4 “thầy giáo” gắn bó với lớp học nhất là: Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Vũ Văn Tín, Đại úy Phạm Văn Hiếu, Trung úy Trần Thế Mạnh và Trung úy QNCN Phùng Văn Hai.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo đến từng gia đình vận động bà con tham gia lớp xóa mù chữ.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo đến từng gia đình vận động bà con tham gia lớp xóa mù chữ.

 Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo chia sẻ, trong quá trình công tác tại địa bàn, Đồn đã tham mưu, phối hợp khảo sát tình hình thực tế, mở lớp xóa mù chữ. Lớp được khai giảng vào cuối tháng 10-2017 với trên 30 học viên có độ tuổi từ 20 – 60 tuổi, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn nên không được học hành.

Chứng kiến một buổi học Tiếng Việt của các học viên mới thấy thầy giáo phải rất kiên nhẫn, vất vả. Từng con chữ được thầy nắn nót viết to, rõ ràng lên bảng, rồi chậm rãi hướng dẫn, đọc từng từ cho cả lớp cùng nghe. Dưới lớp học, học viên chăm chú nhìn, cố nhớ những gì thầy đã truyền đạt.

Để học viên thuộc mặt chữ, đọc được đã là một sự nỗ lực, nhưng để truyền dạy kiến thức cho họ nắm chắc, nhớ lâu là điều không dễ dàng, buộc thầy phải dạy nhiều tiết, thường xuyên kèm cặp, tổ chức ôn luyện. Cùng với đó, các anh luôn khen ngợi, biểu dương, thậm chí tặng thưởng; tổ chức giao lưu văn nghệ để động viên, tạo sự phấn khởi cho học viên mỗi lần đến lớp.

Lớp học xóa mù chữ của các thầy giáo quân hàm xanh.
Lớp học xóa mù chữ của các thầy giáo quân hàm xanh.
 
“Đa phần học viên tham gia các lớp xóa mù chữ mà Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp tổ chức trong nhiều năm qua đều có thể đọc thông viết thạo. Một số học viên tiếp tục tham gia lớp dạy nghề để nâng cao trình độ, hiểu biết và đặc biệt hơn, có những người sau này đã trở thành cán bộ thôn, buôn tại địa phương. Đây là kết quả rất quan trọng, góp phần xây dựng thực lực chính trị ở các địa bàn xã biên giới, giúp công tác tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần với bà con hơn”
 
 Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh

Ngoài việc dạy học, thầy giáo còn tặng toàn bộ sách, vở, dụng cụ học tập, mang nước uống lên tận phòng học, kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho học viên.

Để con chữ không rơi rụng

Đối tượng mù chữ ở Ia Lốp đa phần nghèo khó, quanh năm quần quật với ruộng đồng, tối họ chỉ mong được nghỉ ngơi để mai tiếp tục công việc đồng áng. Bên cạnh đó, người mù chữ thường đã lớn tuổi, thậm chí có người đã ngoài tuổi 60 nên vận động họ đến trường là việc không hề dễ dàng. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động hơn 30 học viên tham gia lớp xóa mù chữ là một sự nỗ lực không ngừng của người thầy quân hàm xanh. Trước khi khai giảng lớp học, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo đã khảo sát, đến thăm, động viên từng hộ gia đình có người mù chữ.

 Biết chị Lang Thị Ứng (dân tộc Thái, ở thôn Đừng) mù chữ, đại diện Đồn đã đến thăm, ân cần nói chuyện thủ thỉ, tâm tình, đơn vị cam kết hỗ trợ gia đình việc đồng áng, ngày công lao động để chị yên tâm theo học. Đại úy Phạm Văn Hiếu, đại diện Đồn chân thành: “Biết chữ rồi, chị ra chợ mua mớ rau, con cá không sợ bị lừa, hay như lên xã làm chứng minh nhân dân, ký các loại giấy tờ… không còn phải lăn tay mà có thể hiểu được nội dung, ký được chữ”. Kết quả là người phụ nữ tuổi 45 ấy đã không còn ngại ngần mang cặp sách đến lớp học mỗi tối. Hơn 2 tháng kể từ ngày khai giảng, chị xem lớp học như ngôi nhà thứ hai, chuyên cần đến học chữ, trò chuyện cùng mọi người…

Không riêng chị Ứng, hơn 30 học viên của lớp xóa mù chữ đều không quản mưa gió, đường xa để đến lớp mỗi ngày, chăm chỉ luyện tập, viết chữ đẹp.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.