Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống trọ học của học sinh vùng khó

09:06, 13/04/2018

Hai năm qua, khu bán trú Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) đã hỗ trợ cho nhiều học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số có được nơi ăn, chốn ở an toàn sạch sẽ. Tuy nhiên, các học sinh ở đây vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Toàn trường hiện có 740 học sinh trong đó có 68% là con em đồng bào dân tộc thiểu số Êđê, Mông, Tày, Nùng… chủ yếu tập trung ở 3 xã vùng III là Cư Đrăm, Yang Mao, Cư Pui và một số xã của các huyện lân cận như Krông Pắc, M’Đrắk… Trước thực trạng có nhiều học sinh do đường xa phải tự làm lán ở để có thể theo học, năm 2014 Sở Giáo dục và Đào tạo đã đầu tư cải tạo khu Trường THCS Cư Đrăm cũ (đối diện Trường THPT Trần Hưng Đạo, đã được chuyển đi cơ sở mới) thành khu bán trú cho các học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo và Trường THCS Cư Đrăm (xã Cư Đrăm). Năm học 2016 – 2017 khu bán trú được đưa vào hoạt động, gồm 14 phòng ở, giường ngủ, nhà ăn, khu vệ sinh phục vụ cho 86 em học sinh của hai trường trên ở bán trú.

Các em học sinh ở khu bán trú ôn tập bài vở.
Các em học sinh ở khu bán trú ôn tập bài vở.

Em Sùng Thị Cúc (học sinh lớp 10, trú tại thôn Cư Đhắt, xã Cư Đrăm) chia sẻ, được vào ở trong khu bán trú của trường, dẫu vẫn phải tự lo, tự quản lý việc ăn uống, học tập, sinh hoạt của bản thân, nhưng cơ sở vật chất đầy đủ giúp em yên tâm phần nào để học tập tốt hơn. Em Cúc nhớ lại, từ khi lên cấp 2 em phải ra theo học tại các trường ở trung tâm xã cách nhà gần 30 km. Gia đình nghèo, bố mẹ phải đi làm từ sớm nên không thể đưa em đến trường hằng ngày. Thế nên bố mẹ em cùng một số phụ huynh khác trong thôn đã mang gỗ, tre nứa đến khu vực xung quanh trường, làm lán cho các em ở tạm để học đến cuối tuần mới về. Sinh hoạt tại lán, hành lý mang theo chỉ là vài bộ quần áo, sách vở và các đồ dùng như đèn dầu, gạo… để tự nấu ăn, thắp đèn học tập, ngủ nghỉ. Đến cuối tuần, em thường đi bộ hoặc tìm những bạn bè có xe đạp xin đi về cùng để lấy thêm đồ ăn, gạo, ít tiền sinh hoạt cho tuần tới. Trong căn lán chưa đầy 15 m2 mùa hè thì nóng, mùa mưa thì ẩm ướt đó, em cùng 10 bạn khác đã ở tạm trong gần 4 năm. Là con gái, lại còn nhỏ tuổi nên lúc ra “ở riêng” tại lán bố mẹ rất lo lắng. Nhiều lần bị ốm mà các bạn ở cùng ai cũng còn nhỏ không biết chăm sóc thế nào phải gọi điện người thân ra đón về nên có thời gian rảnh là bố mẹ lại đến thăm. Giờ vào ở trong khu bán trú tuy còn nhiều khó khăn nhưng bố mẹ em đã yên tâm phần nào.

Nhiều học sinh vẫn dựng lán để trọ học.
Nhiều học sinh vẫn dựng lán để trọ học.

Mặc dù đã có nơi ở, nhưng do không có cấp dưỡng nên nhiều em học sinh không chọn ở tại khu bán trú mà tiếp tục ở trong lán trại. Biết khu bán trú của trường còn trống 2 phòng, được vận động vào ở nhưng em Thào Văn Chí (lớp 11, trú tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui) cùng 5 em khác vẫn không chuyển tới khu bán trú dù chỉ cách nơi em ở gần 200 mét. Em Chí cho biết, nhà em ở tận Ea Rớt, phải vượt hơn 30 km, trong đó có 7 km đường rừng mới đến trường nên từ khi lên cấp 2, bố mẹ đã ra thuê đất của người dân địa phương, mỗi năm trả họ 300 nghìn/người để làm lán cho em ở trọ học. Lán được làm như nhà của đồng bào Mông, với kích thước nhỏ hơn, được ghép lại bằng các ván gỗ nhỏ, trên lợp các tấm tôn hoặc fibro xi măng, bên trong chỉ có độc một chiếc giường đơn sơ vừa để ngủ, vừa để học bài. Muốn về nhà hay cần tiền, đồ ăn thì gọi điện thoại cho người thân đưa đến và chở về. Do phải tự túc, hơn nữa ở lán đã quen, hình thức giống như nhà của đồng bào Mông nên em Chí và các bạn quyết định tiếp tục thuê đất của người dân địa phương để ở tạm cho đến khi học xong.

Thầy Nguyễn Quang Ngọc (Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo) cho biết, nhiều lần thầy cùng các thầy cô trong trường sang thăm thấy các em phải tự lo ăn ở, sinh hoạt nhiều khi bữa ăn chỉ có cơm trắng với nước và ít muối trắng khiến thầy rất xót xa. Thế nên, để giúp các em hằng ngày các thầy cô tại trường thường xuyên ghé thăm để nắm bắt tình hình, kịp thời động viên, đốc thúc việc học tập, chơi thể thao để hạn chế việc các em nghỉ học, la cà đi chơi… Hy vọng trong thời gian tới, mô hình bán trú tại đây được quan tâm hơn, để học sinh vùng khó khăn vơi bớt âu lo về sinh hoạt, yên tâm học tập.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.