Cảm động chuyện đến trường của cô trò vùng khó khăn
Trong phần thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm lớp của Hội thi “Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp giỏi cấp Tiểu học tỉnh Đắk Lắk năm học 2017-2018” vừa qua, có rất nhiều câu chuyện cảm động kể về nỗi khó khăn vất vả của các thầy cô trong công tác vận động học sinh có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường.
Cô Đinh Thị Nguyệt, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (huyện Cư Kuin) kể về em Hoàng Văn An mồ côi mẹ, bố bỏ nhà đi biệt tích, em sống với bà nhưng bà lại bị mù lòa, mọi việc nặng nhẹ trong gia đình đều dồn lên đôi vai bé nhỏ của em. Vậy nên dù rất thích học, hát hay, mơ ước trở thành cán bộ văn hóa nhưng em vẫn thường phải nghỉ học để đi kiếm củi bán, đến mùa cà phê hay mùa gặt thì nghỉ học theo các anh chị lớn đi làm thuê kiếm tiền mua gạo.
Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Liên, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Króa (huyện M’Đrắk) kể về em Giàng Thị Do có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhà có 7 anh chị em, chị gái mới 14 tuổi đã lấy chồng và có một đứa con. Bố mẹ muốn em nghỉ học ở nhà làm việc để phụ giúp gia đình và cũng vì quan niệm rằng con gái thì phải lấy chồng sớm, không cần học nhiều.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn huyện Cư Kuin . |
Cô Lê Thị Quy, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (huyện Krông Năng) lại nhớ mãi câu chuyện cách đây đã 30 năm, có một phụ huynh học sinh lớp một đến trường nhờ cô tạm chăm sóc em học sinh để gia đình đi làm ăn xa, hẹn khoảng vài tuần sau ổn định nơi ở mới sẽ về đón em đi cùng. Nhưng không ngờ phụ huynh đó mãi mãi không quay về vì ông đã tử vong do bị sét đánh khi đi làm rẫy, còn mình người mẹ lấn bấn việc sinh nở, nuôi con nhỏ nên lời hẹn trở về đón em mãi đến ba năm sau gia đình mới thực hiện được.
Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều học sinh Tiểu học phải bỏ học giữa chừng. Quá trình vận động đưa các em trở lại trường của giáo viên cũng khó khăn không kém. Các thầy cô đã không quản nhọc nhằn đến thăm từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh, xác định nguyên nhân bỏ học và bằng mọi cách để thuyết phục, đưa các em trở lại trường học dù con đường đến nhà các em không phải lúc nào cũng dễ dàng, như lời cô Đinh Thị Nguyệt kể: “Nhà em An ở cuối thôn 5, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, trên một quả đồi giáp xã Hòa Thành, huyện Krông Bông. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo men sườn núi dài chừng 4 cây số, lúc nắng thì mịt mù bụi đỏ, lúc mưa thì dính trơn trượt và đầy những “ổ voi”, đi bộ một quãng dài là cách duy nhất để đến được nhà em”. Vậy mà cô vẫn lặn lội đến rất nhiều lần để thuyết phục gia đình cho em trở lại trường và giờ đây cô thật hạnh phúc khi biết ước mơ làm cán bộ văn hóa xã ngày nào của em đã trở thành hiện thực.
Nhưng không phải lúc nào lý lẽ và sự nhiệt tình của các thầy cô giáo cũng đủ sức thuyết phục các em quay lại trường học. Cô Nguyễn Thị Liên kể rằng sau lần đến nhà thuyết phục bố em Giàng Thị Do không thành công, cô đã phải nhiều lần nhờ đến sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu, các đoàn thể trong nhà trường và nhất là anh Giàng Seo Dìn, trưởng thôn 7 cùng đến vận động gia đình cho em tiếp tục đi học. Hiện nay em đã là học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Đình Chinh.
Có những việc, người giáo viên không chỉ hoàn thành bằng tinh thần trách nhiệm cao mà còn bằng cả trái tim yêu thương. Hình ảnh về cô bé lớp một với niềm mong đợi người cha không bao giờ trở về được nữa đã làm lay động trái tim của cô giáo Lê Thị Quy. Để việc học của em không bị gián đoạn, cô giáo trẻ đã tự nguyện kiêm thêm vai trò người mẹ để nuôi dạy em trong suốt một thời gian dài. Và rồi công sức của cô đã mang về quả ngọt, cuối câu chuyện kể của mình, cô vui mừng và tự hào khoe rằng cô học trò nhỏ ngày ấy giờ đã trở thành một giáo viên dạy Toán tại một trường THPT ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Cô Quy chia sẻ: “Cuộc đời ai cũng phải trải qua những lúc thăng trầm. Nếu không có tình yêu thương, cưu mang, đùm bọc của người thân, của cộng đồng thì khó lòng vượt qua”.
Những câu chuyện của các thầy cô giáo có nhiều điều thật đáng suy ngẫm. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trường học, điểm trường lẻ vùng sâu vùng xa khó khăn về điều kiện kinh tế, địa hình, nhận thức của người dân… nên công tác duy trì sĩ số học sinh vẫn luôn là bài toán khó đối với những thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm lớp, nhất là những thầy cô đang công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn. Vậy nên cần lắm sự quan tâm sẻ chia của ngành cũng như toàn xã hội để giúp các thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của sự nghiệp “trồng người”.
Ngọc Thơm
Ý kiến bạn đọc