Huyện Lắk - Tập trung đầu tư cơ sở vật chất để bước vào năm học mới
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự chủ động khắc phục, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đến nay huyện Lắk đã phần nào cải thiện điều kiện trường lớp khi chuẩn bị bước vào năm học mới.
Những ngày này, tốp thợ thi công tại Trường Mẫu giáo Họa Mi (buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk) đang khẩn trương hoàn thành những khâu cuối cùng để đưa dãy phòng học mới vào hoạt động kịp ngày khai giảng. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi cho biết, trường có 1 điểm trường chính và 3 điểm lẻ. Cùng với các phòng học kiên cố được xây dựng từ trước, năm học này, nhà trường được UBND huyện đầu tư 2 tỷ đồng để xây mới thêm 4 phòng học, tăng số phòng học tại điểm trường chính lên 9 phòng, giảm bớt được 1 điểm trường lẻ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi học sinh không phải học ghép. “Từ sự đầu tư xây dựng mới 4 phòng học, nhà trường mở thêm lớp tại điểm trường chính. Đến thời điểm này, trường đã tuyển sinh được 9 lớp tại đây, dự kiến tổ chức học bán trú 100%, tạo điều kiện cho phụ huynh gửi con em tại trường được yên tâm công tác cũng như lao động sản xuất...”, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi Nguyễn Thị Thu Nga phấn khởi nói.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi được trang bị bàn ghế mới phục vụ cho việc dạy và học. Ảnh: L.Anh |
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (buôn Yang Lá 2, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) những ngày này, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019 cũng đang tích cực được triển khai. Sau khi cơn bão số 12 quét qua vào cuối năm ngoái, hệ thống tường rào của trường bị đổ rạp, nhà hiệu bộ tốc mái. Chuẩn bị cho năm học mới, trường đã được đầu tư hơn 2 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp những hạng mục bị hư hỏng và xây mới khu vệ sinh. Cùng với đó, trường còn được trang bị 100% bàn ghế mới ở cả hai phân hiệu. Theo cô giáo Phan Thị Mỹ Nữ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, với sự đầu tư kịp thời của Nhà nước, cơ sở vật chất của trường đã đáp ứng tốt cho việc dạy và học của thầy và trò. Cô Phan Thị Mỹ Nữ chia sẻ, cơ sở vật chất đã đảm bảo nên điều quan tâm nhất hiện nay của trường là việc vận động các em ra lớp. Với tỷ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số khá lớn nên ngay đầu tháng 8, trường đã tổ chức cuộc họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh của tất cả các lớp để phối hợp trong công tác huy động trẻ ra lớp đạt tỉ lệ cao nhất. Bên cạnh đó cũng đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên trong trường triển khai thực hiện việc vận động học sinh ra lớp, đối với những trường hợp học sinh không đến lớp trong những buổi đầu của năm học, giáo viên chủ nhiệm cũng như các tổ chức đoàn thể sẽ đến từng nhà tìm hiểu lý do và vận động học sinh đến trường...
“Mặc dù tỷ lệ phòng học kiên cố toàn huyện vẫn còn thấp, nhưng sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cũng đã tạo điều kiện để công tác giảng dạy - học tập được thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đây là cơ sở và động lực để ngành Giáo dục huyện Lắk tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng dạy và học...” – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk Nguyễn Ngọc Thịnh |
Là một trong những huyện khó khăn của tỉnh, huyện Lắk có 7/11 xã, thị trấn là xã vùng 3; học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk cho biết, thực hiện Đề án kiên cố hóa hệ thống trường lớp, năm học này, huyện huy động được hơn 20 tỷ đồng từ các nguồn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học; tập trung đầu tư 7 công trình tại 7 xã vùng 3. Các công trình này chủ yếu đầu tư cho bậc tiểu học và mầm non. Hiện nay một số công trình đã hoàn thành để kịp đưa vào khai giảng năm học mới. Với sự đầu tư này, hiện tỷ lệ phòng học kiên cố toàn huyện đạt hơn 47%, địa phương hiện còn không còn phòng học tranh tre, vách nứa.
Cùng với xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, công tác chuyên môn cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk quan tâm. Trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác tuyển sinh lớp đầu cấp; vận động học sinh đến trường đảm bảo sĩ số. Bên cạnh đó, Phòng đã chủ động lập kế hoạch và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng hè về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, triển khai tới toàn bộ cán bộ, giáo viên các chuyên đề tiếp thu từ tỉnh nhằm giúp đội ngũ giáo viên được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm dạy học, bổ sung những kiến thức mới phục vụ công tác giảng dạy, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc