Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục ý thức khởi nghiệp cho học sinh ngay trên ghế nhà trường

09:47, 09/01/2019

Khởi nghiệp là vấn đề đang được ngành Giáo dục quan tâm, tuy nhiên nhận thức của nhà trường, phụ huynh và cả các em học sinh còn ít nhiều hạn chế, đang là rào cản khiến cho phong trào này chưa mang lại hiệu quả tương xứng.

Nhân Ngày truyền thống học sinh,sinh viên Việt Nam (9-1), phóng viên Báo Đắk đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ LÊ THỊ THẢO, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.

°Thưa bà! Ở lứa tuổi học sinh trung học các em có nên khởi nghiệp không và nếu khởi nghiệp thì mức độ nào là phù hợp?

Tư tưởng "tốt nghiệp THPT thi đỗ vào một trường đại học, sau khi có tấm bằng đại học sẽ cố gắng xin vào làm việc ở một cơ quan nhà nước, hoặc một doanh nghiệp nào đó” đã ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết phụ huynh và học sinh nước ta. Chính điều này không kích thích các em học sinh tự lập, chủ động, tích cực trong lập thân, lập nghiệp.

 Trong bối cảnh hiện nay, nếu vẫn giữ quan điểm trên các em học sinh sẽ rất khó tìm kiếm được một việc làm trong tương lai gần. Xuất phát từ thực tế, hơn lúc nào hết xã hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp đối với sinh viên sau khi ra trường. Cuối năm 2018, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên tổ chức Hội thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” trên quy mô toàn quốc, đã chứng minh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này. Ngày hội không chỉ tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo được trao đổi kinh  nghiệm với các chuyên gia, nhà khoa học, mà còn thể hiện kết quả hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, với giải thưởng khá cao. Như vậy, ý thức khởi nghiệp phải được bắt đầu từ độ tuổi học sinh. Nhà trường, phụ huynh phải giáo dục cho các em ý thức “Mình phải làm chủ cuộc sống của mình”. 

°Việc khởi nghiệp không chỉ có ý nghĩa với mỗi học sinh mà ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai của đất nước. Vậy ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai những hoạt động nào nhằm tạo cảm hứng khởi nghiệp cho các em học sinh?

Nhận thức tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với tương lai các em học sinh hiện nay, thực hiện Kế hoạch số 2722/KH-UBND, ngày 9-4-2018 của UBND tỉnh về việc “Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ kinh doanh tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” và Kế hoạch số 3235/KH-UBND, ngày 24-4-2018 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT đã triển khai chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, triển khai các hoạt động liên quan đến vấn đề khởi nghiệp cho đông đảo học sinh trong tỉnh.

Tuy nhiên số lượng học sinh tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do tỉnh và Bộ GDĐT tổ chức chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Giáo viên và học sinh vẫn còn nghiêng về nghiên cứu khoa học kỹ thuật mà chưa chú trọng đề vấn đề khởi nghiệp khi sáng tạo ra những sản phẩm của mình. Qua Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2018 -2019 vừa được tổ chức, tôi thấy nhiều sản phẩm, đề tài của các em có thể khởi nghiệp thành công nếu được tư vấn, đầu tư hợp lý.

Các em học sinh Trường Trung cấp Đắk Lắk đang trao đổi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp.
Các em học sinh Trường Trung cấp Đắk Lắk đang trao đổi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp.

°Vậy bà có lời khuyên gì để khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp cho các em học sinh trung học?

 Theo tôi, trong bối cảnh tìm kiếm việc làm khó khăn như hiện nay, các em học sinh cần phải hình thành tư tưởng chủ động khởi nghiệp. Để làm được điều này, đầu tiên các em phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, trong đó có tính tự lập, tính chủ động, sáng tạo, thậm chí là tính cách tự chịu trách nhiệm. Thứ hai, các em phải thấy được bản thân mình có năng lực nổi trội gì từ đó cố gắng học tập, rèn luyện và định hướng nghề nghiệp theo năng lực. Thứ ba các em phải chịu khó học hỏi, tìm tòi để hình thành tư duy và ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với lứa tuổi.

Tôi đơn cử, trong chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam), em Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (còn gọi là Bống) sinh năm 2007 quê ở Tuyên Quang đã gọi vốn thành công gần 300 trăm triệu đồng cho mặt hàng đang kinh doanh - chè bưởi và học bổng hỗ trợ cho con đường học tập của mình. Rõ ràng với đam mê và quyết tâm của Bống ngay từ nhỏ, đến khi trưởng thành gia đình, xã hội sẽ không lo về vấn đề việc làm cho em. Bống không phải là trường hợp cá biệt, có nhiều em học sinh đã thành lập đội, nhóm kinh doanh có hiệu quả với mô hình khởi nghiệp như mở quán bán cà phê, shop hoa tươi… Đây là nền tảng tốt để các em khởi nghiệp sau này.

°Để chuẩn bị hành trang vào đời, các em học sinh không chỉ cần vốn kiến thức được học mà phải là người có đạo đức tốt. Nhà trường cần phải làm gì để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các giá trị cao đẹp về ý chí, nghị lực vươn lên, khát khao cống hiến trong các em học sinh?

Ông bà ta có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, và cũng có câu “Học đi đôi với hành”, với các em học sinh điều trước tiên là phải rèn luyện phẩm chất đạo đức. Tiếp đến cần chuẩn bị kiến thức, không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ nhà trường mà còn là những kiến thức ngoài xã hội, những kiến thức này các em phải chủ động học bằng nhiều cách khác nhau. Và một vấn đề nữa các em cần phải quan tâm coi trọng thực tiễn.

Về phía gia đình, tùy vào điều kiện cần hỗ trợ các em nhiều hơn để các em có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Có thể cho các em tự quản lý tài chính sớm để các em hiểu gia trị đồng tiền từ đó mà chi tiêu hợp lý; khi con có ý tưởng khởi nghiệp, bố mẹ có thể giúp các con lên kế hoạch thực hiện ý tưởng đó trong khả năng có thể; nếu việc kinh doanh không bị ảnh hưởng đến việc học tập, gia đình có thể tạo điều kiện hỗ trợ con… Về phía nhà trường cần giúp các em học sinh tiếp cận với tư duy khởi nghiệp thông qua việc cung cấp kiến thức liên quan; tổ chức các chương trình, các buổi nói chuyện với những người đã khởi nghiệp thành công để truyền cảm hứng cho các em; trong điều kiện có thể, nhà trường nên tạo ra một số mô hình khởi nghiệp ngay trong trường học cho các em thử nghiệm như: mô hình sản xuất nông nghiệp trồng và cung cấp rau sạch; thành lập dịch vụ hỗ trợ giáo dục; mở quán cà phê sách… để các em làm quen, ít nhiều tác động đến ý thức khởi nghiệp cho các em.

°Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

 Nguyên Hoa (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.