Multimedia Đọc Báo in

Người thầy tiếp lửa đam mê Vật lý cho học sinh

08:03, 24/03/2019
Bằng sự nỗ lực và tâm huyết với nghề, thầy giáo Phùng Nguyễn Minh Đương, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) đã gặt hái được không ít thành công trong sự nghiệp “trồng người”. 
 
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Dang Kang (huyện Krông Bông), từ khi là học sinh THPT, thầy giáo Đương đã ấp ủ ước mơ trở thành nhà giáo - đó không chỉ là truyền thống của gia đình mà hơn hết là mong muốn được truyền lửa đam mê môn học Vật lý đến với thế hệ sau. Năm 2004, thầy Đương tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Vật lý (Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) và được nhận về giảng dạy môn Vật lý tại Trường THCS Dang Kang. 4 năm sau, thầy giáo Đương chuyển công tác về Trường THCS Lê Hồng Phong (huyện Krông Búk).
 
Thầy giáo Phùng Nguyễn Minh Đương hướng dẫn ôn tập bài cho học sinh.
Thầy giáo Phùng Nguyễn Minh Đương hướng dẫn ôn tập bài cho học sinh.
Gần 15 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Đương chia sẻ: "Môn Vật lý sẽ khó hấp dẫn học sinh nếu giảng dạy theo phương pháp "thầy giảng - trò nghe". Vì vậy, trước khi vào bài học, tôi luôn chủ động đưa ra những tình huống thực tiễn có thể giải quyết bằng kiến thức Vật lý để tạo cảm hứng và phát huy tính sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, tôi còn sưu tầm những câu vè, đố vui về tên các định luật để lồng ghép vào bài học nhằm giúp các em học sinh giảm bớt áp lực; đồng thời nhớ lâu, hiểu kỹ những công thức mới". Với phương pháp sư phạm này, nhiều em học sinh ở Trường THCS Lê Hồng Phong có tâm lý sợ học môn Vật lý đã trở nên yêu thích, tiến bộ hơn qua từng học kỳ. 
 
 “Học trò của mình dù đang ngồi trên ghế nhà trường hay đã trưởng thành đều dành cho mình sự yêu quý và kính phục. Đó là niềm hạnh phúc bình dị, tiếp thêm niềm vui, động lực để tôi gắn bó, cống hiến nhiều hơn nữa với nghề ” - Thầy Phùng Nguyễn Minh Đương.
 
 
 

Nhờ tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy giáo Đương rất “có duyên" với công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Với phương châm dạy học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trước rồi mới dạy nâng cao, dạy những dạng bài có tính quy luật trước, dạng đơn lẻ, đặc biệt sau nên khi gặp những bài tập mang tính tổng hợp kiến thức, các em học sinh đều giải quyết dễ dàng. Dưới sự dạy dỗ của thầy giáo Đương, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong đã "rinh" về  không ít thành tích. Đơn cử, năm học 2016 - 2017, đội tuyển thi học sinh giỏi môn Vật lý do thầy Đương phụ trách có 1 học sinh đoạt huy chương Đồng quốc gia, 14 học sinh giỏi cấp tỉnh, 20 học sinh giỏi cấp huyện; năm học 2017 – 2018, có 3 học sinh giỏi cấp tỉnh, 6 học sinh giỏi cấp huyện. 

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy giáo Đương cho biết, ngoài chọn những học sinh có điểm số cao, đam mê môn Vật lý để bồi dưỡng, tạo nguồn, thầy còn thường xuyên nắm bắt sự đổi mới cấu trúc đề thi, tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều cách giải bài tập hay, phương pháp học lý thuyết nhanh chóng, nhớ lâu giúp tiết kiệm thời gian cho học sinh, trong đó, việc phát hiện tố chất của học sinh rất quan trọng. 
 
Công việc chuyên môn khá bận rộn, nhưng thầy giáo Đương vẫn sắp xếp thời gian khoa học để tìm tòi, nghiên cứu tài liệu trên các trang web của ngành, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi về đổi mới phương pháp dạy học. Với những nỗ lực không mệt mỏi với nghề, thầy giáo Đương nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đặc biệt, năm học 2016-2017, thầy giáo Đương đã đoạt giải Ba giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; có sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp tỉnh và năm 2018  vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2016 - 2017.
 
Như Quỳnh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.