Multimedia Đọc Báo in

Bạo lực học đường: Nhìn từ thực hành sống trong trường học

14:59, 06/04/2019

Những năm qua, bạo lực học đường đã nổi lên như một vấn đề xã hội gây lo lắng và nghĩ suy cho các gia đình, nhà trường và xã hội.

Bạo lực có thể nảy sinh bạo lực, không giải quyết được vấn đề mâu thuẫn mà thường khiến sự việc trầm trọng, rắc rối hơn. Bởi vậy, bạo lực chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiếm khi được khuyến khích, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Cũng đã có nhiều biện pháp được thực hiện trong nỗ lực kiểm soát hiện tượng này.

Những ngày vừa qua, một số vụ việc bạo hành nghiêm trọng trong trường học đã không chỉ tạo nên luồng dư luận xã hội lên án, công kích mạnh mẽ đối với nhóm học sinh gây bạo lực cũng như những người có liên quan mà còn đặt ra rất nhiều câu hỏi cần trả lời đằng sau vấn nạn này.

1
 Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

 Lẽ dĩ nhiên, người thực hiện hành vi lệch lạc rồi sẽ bị trừng phạt bởi luật pháp hoặc áp lực từ dư luận xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ hướng tới các biện pháp trừng phạt thì không bao giờ có thể kiểm soát được hiện tượng. Bên cạnh những thay đổi từ phía các điều kiện xã hội, các trường học có thể chủ động thúc đẩy chương trình phòng ngừa bạo hành học đường, bắt đầu bằng việc cố gắng xem xét những giả thuyết sau đây:

Thứ nhất, phải chăng những người thực hiện hành vi bạo hành người khác đã không được học cách quản lý và chuyển hóa cảm xúc của mình, hoặc không có năng lực kết nối với người khác một cách lành mạnh. Nếu vậy, trường học cần tổ chức nhiều hơn các chương trình hướng tới việc khuyến khích học trò học cách thấu hiểu để gia tăng năng lực và tự mình xử lý các vấn đề đến với mình. Ví dụ như cần làm gì khi rơi vào các trạng thái cảm xúc tiêu cực như: tức giận, thất vọng, tổn thương, buồn... hoặc nên làm gì để bày tỏ khi muốn bày tỏ chính kiến, suy nghĩ, nhu cầu, đề xuất với người khác một cách không bạo lực cũng như không gây khó chịu.

Thứ hai, trong các tương tác xã hội giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, rất có thể đã từ lâu, sự chia sẻ, thấu hiểu đã không được chú trọng. Trên thực tế, mọi ứng xử sai lầm đều xuất phát từ những lý giải sai lầm. Có lẽ, bạo hành học đường sẽ ít khi xảy ra nếu như các tương tác trong trường học diễn ra dựa trên sự thấu hiểu. Thay vì đánh hoặc xúc phạm học trò, giáo viên có thể học cách hiểu để tôn trọng và trợ giúp học trò. Thay vì cạnh tranh, các giáo viên nên học cách chia sẻ, tương trợ để tạo nên một môi trường làm việc hiệu quả, không gian sống thân thiện. Một người có xu hướng bạo lực thế nào đi chăng nữa thì vẫn có thể xúc động trước sự quan tâm, thấu hiểu từ người khác. Trong bản thân mỗi người vốn dĩ đã có sẵn tình thương, tình thương càng nhiều thì những toan tính, ích kỷ, máu ăn thua càng giảm.

Thứ ba, phải chăng, mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh hiện nay đang có sự thiếu chân thành trong hành trình đạt tới mục đích của giáo dục là giúp con người có cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nếu vậy, khi có việc không hài lòng, thay vì tự ái, dựng hàng rào "phòng thủ" với phụ huynh, giáo viên có thể chủ động chia sẻ, nói lên suy nghĩ của mình một cách ôn hòa để thể hiện nỗ lực mong muốn điều tốt đẹp nhất với học trò của mình. Đồng thời, các cuộc gặp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh có thể được tổ chức để tạo cơ hội cho cha mẹ học cách thấu cảm để thương con lành mạnh.

Học cách sống và thực hành sống tử tế là một quá trình liên tục, bền bỉ và có ý thức. Hy vọng những trường học thân thiện trong đó người dạy và người học hạnh phúc với công việc của mình sẽ trở thành hiện thực với những nỗ lực thay đổi đến từ mỗi cá nhân.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.