Học sinh học lệch, hậu quả lâu dài
Theo quy chế thi THPT quốc gia 2019, thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) thì không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Trong kỳ thi THPT năm nay, có tới 3.128 thí sinh bị điểm liệt ở tất cả các môn, đồng nghĩa số thí sinh này đã bị trượt tốt nghiệp THPT và không đủ điều kiện xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Ngữ văn là môn có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất với 1.265 bài; tiếp đó là môn Tiếng Anh với 630 bài, môn Lịch sử 395 bài, môn Toán 345 bài... Điều đáng nói, không chỉ học sinh yếu, kém mà ngay cả các học sinh có học lực khá, giỏi cũng bị điểm liệt, thậm chí thủ khoa còn suýt trượt tốt nghiệp vì có một môn thi chỉ đạt hơn 1 điểm.
Đơn cử như trường hợp một em học sinh lớp chuyên Toán Trường THPT Chuyên Thái Bình có điểm các môn thi khối B rất cao nhưng lại trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt môn Vật lý. Hay trong số các thủ khoa của kỳ thi năm nay có em Vũ Đức Anh (học sinh Trường THPT Quảng Xương 1, tỉnh Thanh Hóa) là thủ khoa khối A với 29,05 điểm. Dù điểm thi các môn Toán, Lý, Hóa (Toán: 9,8; Vật lý: 9,25 và Hóa học: 10) đều rất cao nhưng thí sinh này suýt trượt tốt nghiệp bởi môn Tiếng Anh chỉ đạt 1,4 điểm.
Một tiết học của thầy và trò Trường THPT Hồng Đức,TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa: Lan Anh) |
Điều này cho thấy có một thực tế đáng lo ngại là học sinh, nhất là những em có học lực khá, giỏi có xu hướng học lệch rất rõ. Các em chỉ ưu tiên tập trung đầu tư cho các môn học mà mình dùng để xét tuyển vào đại học và bỏ bê các môn còn lại dù rằng vẫn biết điểm có cao tới đâu mà bị liệt một môn thôi cũng đủ rớt tốt nghiệp. Một khi trượt tốt nghiệp thì cũng đồng nghĩa với việc không được xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Biết mà vẫn học lệch nên lại càng đáng lo hơn.
Các em cũng không biết được rằng việc học lệch sẽ khiến các em chật vật, khổ sở với chương trình học ở bậc đại học. Dù học bất cứ chuyên ngành nào thì tất cả các sinh viên sẽ phải học các môn đại cương như Tiếng Anh, Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Tất cả các môn học này đều liên quan mật thiết với các môn Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Lịch sử… ở bậc phổ thông. Nếu các em không nắm vững kiến thức nền thì sẽ khó học tốt các môn học này ở bậc đại học, dễ dẫn đến tình trạng phải học đi học lại hoặc thi đi thi lại nhiều lần.
Thực tế là trong khoảng 5 năm trở lại đây có rất nhiều sinh viên đại học dù điểm học tập khá cao nhưng không thể tốt nghiệp chỉ vì nợ chứng chỉ tiếng Anh. Một số chuyên ngành đào tạo tuyển sinh đầu vào dù lấy điểm khối C nhưng trong chương trình học lại có cả các môn liên quan đến Toán và Sinh học nên nếu chỉ giỏi Văn, Sử, Địa mà yếu Toán, Sinh thì nguy cơ phải học đi học lại nhiều lần là rất cao.
Để tránh tình trạng học lệch như hiện nay, thiết nghĩ, thầy cô và phụ huynh cần chỉ rõ cho các em học sinh biết hậu quả của việc học lệch là tai hại và lâu dài như thế nào để các em điều chỉnh. Tất nhiên không ai có thể học tốt tất cả các môn nhưng các em cần xem trọng và phải nỗ lực đạt mức độ trung bình ở những môn học không phải thế mạnh của mình.
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc