Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của học sinh xã vùng biên

08:33, 08/09/2019

Năm học mới 2019 - 2020, các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An (ở xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) được học tập trong những phòng học mới khang trang, rộng rãi, được nô đùa trên sân trường bê tông sạch đẹp.

Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An được tách ra từ Trường THCS Nguyễn Thị Định và Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu cách đây 6 năm. Lúc mới thành lập, trường có 6 phòng học là phân hiệu cũ của hai trường (Trường THCS Nguyễn Thị Định và Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu) đã xuống cấp và không đủ phòng cho học sinh học tập.

Học sinh Trường Tiểu học  và THCS  Chu Văn An  đã được  sử dụng  hệ thống nước sạch.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An đã được sử dụng hệ thống nước sạch.

Các em học sinh phải học 2 ca, lại thường xuyên bị chồng chéo lớp học, do đó Ban Giám hiệu nhà trường phải mượn bốn phòng kho của Đội sản xuất (Đồn Biên phòng 737) ở phía đối diện trường để tổ chức giảng dạy. Bốn phòng học mượn xây dựng đã lâu, xuống cấp nên trời mưa thường bị dột, còn vách ngăn giữa các phòng bị hư hỏng, giáo viên giảng bài ở phòng này nhưng phòng bên cạnh nghe rõ mồn một. Chưa hết, nhà vệ sinh của nhà trường không sử dụng được, sân trường nắng bụi, mưa lầy…, khiến học sinh, giáo viên gặp không ít khó khăn. Trên 70% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư vào lập nghiệp, kinh tế khó khăn, nên phụ huynh chưa quan tâm lắm đến việc học của con em mình.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An dự lễ khánh thành công trình “Mái trường tặng bé yêu”.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An dự lễ khánh thành công trình “Mái trường tặng bé yêu”.
 
“Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An có 315 học sinh, trong đó 70% là học sinh dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào. Bên cạnh sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, giáo viên nhà trường gặp khó khăn trong giảng dạy do bất đồng ngôn ngữ ở học sinh lớp 1. Sự quan tâm, chia sẻ của Huyện Đoàn và các mạnh thường quân sẽ tiếp thêm động lực để thầy cô giáo và các em học sinh có điều kiện giảng dạy - học tập…”.
 
Cô giáo Chu Thị Sen, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An (xã Ia R’vê, huyện Ea Súp)

Chia sẻ với học sinh vùng biên giới, Huyện Đoàn Ea Súp đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí xây dựng lớp học tặng học sinh Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An. Sau một thời gian ngắn kêu gọi, Nhóm cựu sinh viên lớp Tài chính Ngân hàng K19 Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cùng bạn bè đã hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng công trình “Mái trường tặng bé yêu", gồm: 4 phòng học, nhà vệ sinh (8 phòng), 1 giếng nước và bê tông hóa sân trường rộng 600 m2, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của các em học sinh. Tại lễ khánh thành và bàn giao công trình, nhóm còn tặng quà, 2 tủ sách với trên 300 đầu sách… để chuẩn bị bước vào năm học mới.

Anh Dương Trần Minh Đoàn, Phó Nhóm cựu sinh viên lớp Tài chính ngân hàng K19 Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói: “Tôi và các thành viên trong nhóm rất mong chờ đến ngày khánh thành công trình. Công trình “Mái trường tặng bé yêu” của chúng tôi sẽ giúp các em học sinh ở đây bớt đi phần nào khó khăn để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Các em học sinh có thêm động lực học tập, rèn luyện tốt ”.

Cô giáo Chu Thị Sen, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Chu Văn An xúc động chia sẻ: “Ban Giám hiệu nhà trường rất trân trọng và biết ơn món quà ý nghĩa, thiết thực của Nhóm cựu sinh viên Lớp Tài chính ngân hàng K19 Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và bạn bè đã tặng nhà trường trước thềm năm học mới 2019 - 2020. Nhìn các em học sinh tung tăng nô đùa trên sân trường bê tông, háo hức khi có tủ sách mới, được học trong những phòng học kiên cố…, chúng tôi cũng thấy vui".

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.