Multimedia Đọc Báo in

Cư Kuin chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh

08:56, 25/12/2019

Thời gian qua, các đơn vị trường học ở huyện Cư Kuin đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thể chất (GDTC), góp phần rèn luyện sức khỏe, tính tự giác, luyện tập thể dục, thể thao (TDTT) cho học sinh.

Huyện Cư Kuin hiện có 39 đơn vị trường (chưa tính bậc mầm non) với gần 17.000 học sinh. Cùng với kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, các trường cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy học thể chất và hoạt động thể thao.

Hầu hết các trường học đều xây dựng các sân tập TDTT cho học sinh; một số trường có nhà tập thể thao đa năng phục vụ việc học thể chất trong những ngày thời tiết xấu. Các trường cũng khuyến khích, đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ, các nhóm thể thao dưới nhiều hình thức như võ thuật, bóng bàn, cầu lông, bóng đá, aerobic, đá cầu… thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Học sinh Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (xã Ea Ktur) luyện tập bóng chuyền sau giờ học.
Học sinh Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (xã Ea Ktur) luyện tập bóng chuyền sau giờ học.

Cô Ngô Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Cư Kuin cho biết, cùng với việc quan tâm dạy văn hóa, nhà trường tranh thủ những nguồn lực xã hội hóa để đầu tư nâng cấp nhà đa năng, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ như lưới, cầu đá, bóng chuyền, đệm nhảy cao, xà đơn, xà kép... và mới đây nhất là xây dựng sân bóng đá mini; đồng thời duy trì hoạt động thể dục giữa giờ; phối hợp với một số đơn vị, trung tâm phát triển các hoạt động ngoại khóa như tập võ, tập bơi, không chỉ trong năm học mà còn ở thời điểm nghỉ hè, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe.

Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (xã Ea Ktur) là một điển hình khi nhiều năm liền luôn trong “top” các trường đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi TDTT huyện. Bên cạnh đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị GDTC, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi đấu thể thao giữa các lớp, tạo điều kiện cho các em tham gia giao lưu và sinh hoạt thể thao ở địa phương; chú trọng phát hiện những em có năng khiếu thể thao để bồi dưỡng. Nhờ đó, trong các giải thể thao cấp huyện, cấp tỉnh do ngành tổ chức, nhà trường luôn có số lượng lớn học sinh tham dự và đoạt giải, nhiều nhất ở môn điền kinh, đẩy gậy. Tại Hội khỏe Phù Đổng 2018 huyện Cư Kuin, nhà trường đã đạt thành tích Nhất toàn đoàn. Hiện các đội tuyển thể thao của nhà trường đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đổng 2019 với quyết tâm duy trì thành tích đã đạt được năm trước.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Huyện Cư Kuin (xã Dray Bhăng) chơi đá cầu tại nhà đa năng của trường.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Huyện Cư Kuin (xã Dray Bhăng) chơi đá cầu tại nhà đa năng của trường.

Những năm qua, các hoạt động văn hóa, thể thao thường xuyên được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Cư Kuin duy trì tổ chức, góp phần tạo điều kiện đánh giá chất lượng công tác GDTC trong nhà trường, đồng thời là cơ hội tuyển chọn những học sinh có năng khiếu thể thao để bồi dưỡng, tham gia các cuộc thi TDTT của huyện, của tỉnh. Hiện 100% trường học trên địa bàn huyện đều bảo đảm chương trình GDTC trong trường học, trong đó 70% đơn vị tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa TDTT, 100% học sinh các trường tham gia hoạt động luyện tập TDTT chính khóa theo quy định...

Ông Bùi Quốc Huy, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác GDTC qua đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên thể dục; tổ chức thường xuyên các hoạt động thể thao gắn với giáo dục đạo đức, giáo dục, kỹ năng sống cho học sinh, nhất là mở các lớp học bơi ngoại khóa để phòng chống đuối nước.

Đức Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.