Phụ huynh "rối" vì sách giáo khoa mới
Mấy tuần nay, những phụ huynh có con sẽ vào lớp 1 năm học 2020 - 2021 vô cùng bối rối, băn khoăn ai sẽ là người chọn sách giáo khoa (SGK) khi Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương “Một chương trình nhiều bộ SGK”, bởi quy định lúc thì nhà trường chọn, lúc lại là UBND tỉnh chọn.
Nhiều phụ huynh lo ngại nếu nhiều đơn vị có quyền được chọn như thế thì liệu có dẫn đến tình trạng mỗi bộ sách giáo khoa chỉ có thể dùng một lần?.
Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Luật Giáo dục năm 2019, sau một thời gian thẩm định sách giáo khoa với quy trình nghiêm ngặt, công khai, minh bạch, ngày 21-11-2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định phê duyệt Danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, có 32 SGK của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này. Cụ thể, môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc mỗi môn có 5 cuốn SGK; môn Tự nhiên và Xã hội có 3 cuốn; Giáo dục thể chất có 1 cuốn; Hoạt động trải nghiệm có 3 cuốn. Đây là bộ sách sẽ phục vụ cho chủ trương “Một chương trình nhiều bộ SGK”. Nhưng vấn đề đáng suy nghĩ lúc này là ai sẽ là người chọn sách?.
Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Cư Ktây (huyện Ea H'leo). Ảnh: L.Anh |
Luật Giáo dục (sửa đổi năm 2019) chính thức có hiệu lực từ 1-7-2020 giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, để kịp tiến độ thay sách lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng trong năm học 2020 - 2021, SGK lớp 1 mới sẽ phải được chọn và công bố kết quả trước tháng 3-2020, để các nhà xuất bản tổ chức in ấn, phát hành, tập huấn cho giáo viên sử dụng, kịp thời phục vụ cho khai giảng năm học vào tháng 9-2020. Do đó, việc chọn sách này phải thực hiện trước khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực nên việc chọn SGK sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Điểm g mục 3 Điều 2 của Nghị quyết 88 ghi rõ: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Thực hiện quy định này, trong cùng một quận/huyện, việc mỗi trường tiểu học sẽ chọn những SGK khác nhau để dạy học có thể xảy ra.
Mặt khác, không ai dám chắc chắn bộ SGK lớp 1 được cơ sở giáo dục chọn cho năm học 2020 - 2021 sẽ tiếp tục được UBND tỉnh chọn cho năm học 2021 - 2022. Khi chủ thể lựa chọn SGK thay đổi thì kết quả lựa chọn dĩ nhiên cũng có khả năng thay đổi. Bởi vậy, những gia đình có hai con cách nhau một tuổi cũng chưa chắc em sẽ được dùng lại sách của anh/chị. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở vì trong mấy năm gần đây việc chọn SGK Tiếng Anh lớp 1 của một số trường tiểu học thực tế không có tính ổn định, chỉ sau 2 năm thực hiện đã thay sách khác trong khi giá mỗi cuốn đến gần 100.000 đồng.
Thiết nghĩ, dù là cơ sở giáo dục hay UBND tỉnh chọn SGK thì điều quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo quyền lợi của học sinh, đừng thay đổi đột ngột để cả giáo viên lẫn học sinh không kịp thích nghi.
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc