"Hoa" núi rừng Tây Nguyên
Sinh ra, lớn lên ở những vùng đất khó khăn nhưng nhiều em học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Các em không chỉ là niềm vinh dự của mỗi gia đình, dòng họ mà còn là niềm tự hào chung của buôn làng.
Cô học trò “vàng”
Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm tất bật với công việc đồng áng ở xã Cư Jang (huyện Ea Kar) nhưng em Ngọc Thị Ánh Tuyết, dân tộc Nùng (lớp 12A2, Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng) luôn chăm chỉ học tập. Em Tuyết tâm sự: “Em chọn cách tự học là chính vì phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. Cũng có lúc em mặc cảm, tự ti nhưng em vẫn tự nhủ mình phải cố gắng, phấn đấu hơn nữa để bố mẹ vui lòng”.
Với quyết tâm đó, ngoài việc chú ý nghe giảng, hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài, Tuyết còn luyện thêm các dạng bài tập thầy cô hướng dẫn và lấy mẫu đề thi trên Internet về giải.
Trong số các môn học, Tuyết đặc biệt yêu thích môn Ngữ văn, bởi học Văn giúp cho em hiểu sâu hơn về cuộc sống, về tình người; hơn nữa còn giúp em có cách diễn đạt, thể hiện tình cảm sâu sắc, hàm súc hơn. Chia sẻ bí quyết học tập, Tuyết cho biết, để làm tốt dạng văn nghị luận xã hội, em dành nhiều thời gian đọc sách, báo, theo dõi thời sự để bài viết sát thực tế, hấp dẫn. Còn trong phân tích thơ văn, em thường gạch rõ ý chính, sau đó tổng hợp, phát triển ý bằng lời văn của mình chứ không phụ thuộc vào sách tham khảo vì như vậy dễ làm bài viết rập khuôn, mất đi sự sáng tạo.
Em Ngọc Thị Ánh Tuyết (bên trái) trao đổi bài với các bạn trong lớp. |
Nhờ siêng năng và có phương pháp học tập khoa học, 11 năm liền Tuyết đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện với điểm trung bình các môn trên 8,0; đoạt giải Nhì Kỳ thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh năm học 2018 - 2019; năm học lớp 10 và 11, Tuyết liên tục đoạt huy chương Vàng môn Ngữ văn tại Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4...
Tuyết tâm sự: em đang tập trung học để có thể trở thành sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh trong năm học tới.
“Hạt mầm” triển vọng của Taekwondo
Vóc người nhỏ bé nhưng H’Zi Ayun học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) lại có niềm đam mê đặc biệt với võ thuật.
H’Zi “bén duyên” môn võ Taekwondo khi mới chỉ học lớp 3. Trong một lần tình cờ đi qua Nhà Văn hóa xã, thấy các võ sinh mặc đồng phục võ thuật biểu diễn H’Zi thích thú với bộ môn này. Về nhà, H’Zi xin phép bố mẹ cho học võ ngoài giờ học ở trường nhưng gia đình không đồng ý vì sợ con gái học võ sẽ không còn nữ tính, thích đánh đấm.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa
|
Không từ bỏ niềm đam mê, mỗi ngày H’Zi dành thời gian rảnh xem các chương trình võ thuật trên tivi rồi tự tập ở nhà. Cuối cùng em cũng thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho học võ. Tuy nhỏ tuổi nhất khóa học nhưng chỉ sau 3 tháng, H’Zi đã theo kịp bạn bè, thực hiện được những động tác cơ bản của kỹ thuật tự vệ như: Đá búng chân, đá cầu vồng, đá chẻ, đá tổng ngang, đá tầm cao, các kỹ thuật song đấu, đối luyện và các bài quyền... Mới đây, H’Zi đã vượt qua nhiều đối thủ, xuất sắc giành Huy chương Bạc nội dung đối kháng tại Giải vô địch Taekwondo học sinh toàn quốc lần thứ IX - năm 2019 được tổ chức tại TP. Đà Nẵng.
Để đạt được thành tích đó, bên cạnh năng khiếu bẩm sinh, H’Zi phải nỗ lực tập luyện không ngừng. H’Zi thổ lộ: “Nhiều lần em khóc vì chấn thương, vì sức ép của luyện tập và thi đấu nhưng niềm đam mê võ thuật giúp em vượt qua tất cả. Em sẽ tiếp tục cố gắng rèn luyện để chinh phục những giải đấu mới, mang thành tích về cho tỉnh nhà”.
Em H’Zi Ayun biểu diễn võ Taekwondo. |
Huấn luyện viên Hoàng Văn Hùng (Câu lạc bộ Taekwondo Ea Tul) nhận xét: “Tuy nhỏ tuổi nhưng H’Zi có phong cách thi đấu khá chững chạc, khả năng di chuyển và lối đánh thông minh. Nếu tiếp tục bồi dưỡng và kiên trì tập luyện H’Zi sẽ còn tiến xa hơn nữa”.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc