Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn chuyện học mùa Covid

08:57, 27/04/2020

Không có máy tính, chẳng có thiết bị di động thông minh, thậm chí có nơi không có sóng 4G, 3G nên việc học trực tuyến khi nghỉ để phòng, chống dịch Covid - 19 của hầu hết học sinh ở xã Cư San (huyện M'Đrắk) trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn...

Cư San là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện M'Đrắk, địa bàn dân cư thưa thớt, phân tán, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Toàn xã có 6 trường học các cấp với 2.380 học sinh. Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, tuy đã có công văn của ngành Giáo dục về việc khuyến khích các trường có điều kiện tổ chức dạy học cho học sinh qua một số phần mềm nhưng các trường không thể thực hiện được.

Cô Nguyễn Thị Hài  in bài  gửi học sinh ôn tập.
Cô Nguyễn Thị Hài in bài gửi học sinh ôn tập.

Khoảng 2 tháng nay, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng phân công nhau soạn các bài tập môn Tiếng Việt và Toán để gửi cho học sinh làm tại nhà. Em nào nhà gần thì gửi trực tiếp, nhà xa thì nhờ qua bí thư chi bộ, trưởng thôn. Cô Nguyễn Thị Hài, giáo viên chủ nhiệm lớp 3, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: "Ngoài cách này ra thì không còn cách nào khác vì gần như học sinh của trường không có điều kiện tiếp cận với Internet".

Trong những ngày nghỉ học vì dịch Covid-19, đa phần các em đều phải lên nương rẫy phụ gia đình nên việc triển khai học và ôn tập cho học sinh của các thầy, cô giáo ở xã Cư San rất khó. Thầy Nguyễn Quang Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tô Hiệu cho biết, lớp có 37 em, khoảng một nửa có điều kiện dùng điện thoại thông minh, nhưng thực tế việc sử dụng điện thoại thông minh để học trực tuyến cũng không đơn giản. Các thầy cô chỉ còn cách lập nhóm trên Zalo, Facebook để giao tiếp với học sinh, nắm bắt tình hình sức khỏe và nhắc nhở các em ôn kiến thức cơ bản và làm bài. "Bây giờ, các thầy cô chỉ kiểm tra những kiến thức cơ bản và đơn giản nhất, khi học sinh được đi học lại thì ôn thêm và tiếp tục dạy bài mới. Tùy vào địa bàn mà mình linh động thôi", thầy Dũng tâm sự.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tô Hiếu đến nhà em Triệu Thị Hiền động viên, thăm hỏi về việc học tập trong những ngày nghỉ dịch.
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tô Hiếu đến nhà em Triệu Thị Hiền động viên, thăm hỏi về việc học tập trong những ngày nghỉ dịch.

Em Triệu Thị Hiền, học sinh lớp 9A bày tỏ, trong quá trình làm bài tập thầy cô giáo giao, nhiều nội dung cần sự giảng giải thêm em lại không tự tra cứu được vì không có Internet, muốn hỏi cũng không biết hỏi ai đành phải bỏ trống. Do phải làm việc phụ giúp gia đình; chỉ buổi tối Hiền mới có thời gian để học bài mà thầy gửi trên nhóm, những bài khó thì hôm sau em nhắn tin hỏi lại thầy và các bạn nhưng nhiều lúc vào mạng cũng rất chậm, đôi khi tin nhắn lại "trôi". Thầy Nguyễn Đình Thiện, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tô Hiệu cho biết: "Ngay khi học sinh đi học trở lại, ăn ở, học tập, sinh hoạt tại trường thì chúng tôi sẽ sắp xếp dạy theo chương trình; rà soát lại toàn bộ phần kiến thức, học sinh chưa tiếp cận được hoặc còn rỗng kiến thức thì sẽ phải tổ chức dạy thêm".

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc