Trường mầm non ngoài công lập chật vật "vượt bão" Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các trường học trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Thời gian nghỉ học kéo dài khiến nhiều trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lâm vào cảnh khó khăn…
Học sinh nghỉ học hơn 2 tháng nay, nhà trường không có nguồn thu, cô giáo Đồng Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Nguyên (phường Thành Nhất) phải “đau đầu” cân đối thu – chi để “cầm cự” qua giai đoạn khó khăn này.
Cô Thuận cho biết, trường có 13 lớp học với hơn 350 học sinh; 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Việc “đứt” nguồn thu ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý do học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh khiến nhà trường phải “oằn mình” với các khoản chi phí định kỳ. Các cháu nghỉ học nhưng nhà trường vẫn hoạt động, do đó mỗi tháng chủ cơ sở giáo dục vẫn phải chi trả các khoản như: tiền vay gốc, tiền lãi ngân hàng, tiền điện, nước, chi trả 50% mức lương tối thiểu theo quy định và nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho giáo viên, nhân viên… Chỉ riêng khoản chi trả lương và chi phí vệ sinh khử khuẩn trong thời gian tạm nghỉ dịch Covid-19, nhà trường đã chi hơn 120 triệu đồng/tháng; chưa kể khoản “nặng” nhất là trả gốc và lãi vay ngân hàng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu đến 180 triệu đồng/tháng…
“Để có đủ kinh phí trang trải trong đợt dịch này, nhà trường đã phải vay mượn thêm ở ngoài - tuy nhiên đấy cũng chỉ là phương án tạm thời. Để giúp các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua khó khăn, tôi rất mong các ngân hàng có chính sách miễn lãi suất các khoản vay liên quan đến đầu tư xây dựng trường học trong thời gian dịch; đồng thời giảm 50% lãi suất một số tháng sau thời gian hết dịch và học sinh đi học trở lại”, cô Thuận bộc bạch.
Giáo viên Trường Mầm non Tây Nguyên vệ sinh trường, lớp trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. |
Tương tự, Trường Mầm non Họa Mi (phường Thắng Lợi) cũng đang loay hoay với bài toán thu – chi để duy trì hoạt động. Sơ Nguyễn Thị Hoài Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Hơn hai tháng không đón trẻ, không có thu nhập trong khi nhà trường vẫn phải chi trả các khoản phí và hỗ trợ phần nào lương cho 80 giáo viên, nhân viên của trường. Chỉ riêng trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, nhà trường đã phải chi trả các khoản gần 450 triệu đồng. Nếu đến hết tháng 4 mà học sinh chưa trở lại học thì trường cũng chưa biết lấy nguồn thu từ đâu để “đắp” vào…”.
Còn ở Trường Mầm non Hoa Việt Nguyên (phường Thành Nhất), do là chi nhánh của Công ty Cổ phần công trình Việt Nguyên nên trường đã được công ty hỗ trợ kinh phí trang trải lương cho giáo viên và các khoản chi phí khác trong thời điểm không có nguồn thu. Song vì mới đi vào hoạt động từ tháng 6-2019 nên điều lo lắng nhất của nhà trường lúc này là sự ổn định về sĩ số lớp và công tác nhân sự. Cô Ngô Ái Phượng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Hoạt động mới vào guồng thì phải tạm dừng do dịch Covid-19. Công tác tuyển sinh cũng phải ngưng lại. Để giữ chân giáo viên, nhân viên, nhà trường đã hỗ trợ 100% mức lương tối thiểu theo vùng…".
Nhân viên Trường Mầm non Hoa Việt Nguyên vệ sinh trường, lớp trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. |
“Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội với khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng khác nhau được nhận hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó có đối tượng các trường ngoài công lập. Hy vọng với gói hỗ trợ trên sẽ phần nào giúp cho các trường ngoài công lập trên địa bàn vượt qua khó khăn trong giai đoạn học sinh tạm nghỉ học vì dịch Covid-19…”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa
|
Toàn tỉnh hiện có 70 trường mầm non ngoài công lập và hơn 80 nhóm trẻ tư thục, dân lập, trong đó hơn 87% số trường mầm non ngoài công lập là ở TP. Buôn Ma Thuột. Việc cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian dài khiến nhiều trường gặp khó khăn, nhất là trường mới thành lập. "Ngành GD-ĐT đã tiến hành tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các trường trong quá trình phòng, chống dịch bệnh kiến nghị UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp hỗ trợ kinh phí chống dịch cho các đơn vị; cho phép kéo dài thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, đóng các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; có chính sách cho vay với lãi suất thấp để các trường trả lương cho giáo viên, nhân viên và người lao động trong thời gian nghỉ dịch…" - ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc