Kỳ vọng sự đổi mới trong cách đánh giá học sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT theo hướng đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh.
Dự thảo Thông tư hướng tới coi trọng sự tiến bộ, nỗ lực của người học, đánh giá cả quá trình, coi việc đánh giá là một công cụ quản lý học tập hiệu quả, giúp học sinh giảm bớt áp lực điểm số.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, việc kiểm tra, đánh giá học sinh đang được cho là nghiêng về điểm số mà chưa chú trọng đúng mức tới việc đánh giá thái độ, nhận xét quá trình rèn luyện hay các hoạt động khác của học sinh. Thực trạng này dẫn tới trường hợp nhiều học sinh bị áp lực bởi việc kiểm tra, thi cử. Vì vậy, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này được xem là điều chỉnh theo hướng nhân văn, hiện đại và dự báo mang lại những thay đổi lớn trong cách đánh giá người học từ nhà trường và giáo viên.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng trong một tiết học. Ảnh: Lan Anh |
Việc thay đổi cách đánh giá bằng cả điểm số và nhận xét ở tất cả các môn học đòi hỏi giáo viên sẽ phải chú ý những vấn đề cá nhân khác biệt về thể chất, nhu cầu, sở thích, mức độ thông minh, thái độ, khả năng, thành tích và hoàn cảnh gia đình... của học sinh. Từ đó mới có thể áp dụng được cách giảng dạy hữu hiệu. Về mặt nguyên tắc, các biểu hiện của học sinh như chậm chạp, vụng về, lười biếng, ngỗ nghịch, hỗn láo hay ấm ức… của các em đều có nguyên do. Với phương pháp đánh giá học sinh trong dự thảo Thông tư sửa đổi lần này, hy vọng sự thân ái và sáng suốt của giáo viên trong việc thấu hiểu các hành vi của học sinh sẽ giúp thầy cô có được những biện pháp điều chỉnh hành vi của học sinh theo hướng tiến bộ. Giáo dục là để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi vậy, việc đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá cho thấy không có học sinh nào là không thể giáo dục được.
Các hình thức khen thưởng hay trừng phạt trong nhà trường theo đó cũng có những thay đổi. Việc khen thưởng sẽ dựa trên sự cố gắng của người học nhiều hơn là kết quả mà người học có được và sự trừng phạt phải do nguyên nhân phạm lỗi. Mọi đứa trẻ cần được khích lệ, động viên để có động lực phấn đấu.
Tuy vậy, một câu hỏi lớn sẽ được đặt ra đối với giáo viên là: làm sao quan tâm, săn sóc từng học sinh mà không ảnh hưởng tới tiến độ chung của lớp học? Trả lời câu hỏi này có thể gây chán nản cho một số giáo viên. Nhưng đối với những nhà giáo thực tâm yêu nghề thì sẽ tìm được phương thức giáo dục thích nghi cho học sinh của mình. Vấn đề này có lẽ cũng cần được các sơ sở giáo dục đang đào tạo giáo viên chú ý nhiều hơn trong việc hình thành tiêu chuẩn chức nghiệp đối với người giáo viên tương lai: thái độ tôn trọng và thương yêu học sinh, năng lực thấu hiểu và lối đối xử công bằng với học sinh. Giáo dục để mỗi cá nhân thực sự nên người hữu dụng cho gia đình, cho xã hội là mục tiêu hướng tới giá trị thực của học vấn. Và được hưởng nền giáo dục là để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải để chịu áp lực.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc