Multimedia Đọc Báo in

Thiếu sân chơi ngày hè cho trẻ em vùng sâu

06:20, 05/07/2020

Huyện Krông Bông có 14 xã, thị trấn với 20.962 học sinh từ bậc mầm non đến THCS.

Thời gian qua, huyện đã quan tâm tạo điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em như: Huyện Đoàn, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với các địa phương tổ chức giải bóng đá thiếu nhi, mở lớp học võ Karatedo, mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thiếu nhi… vào dịp hè. Trên địa bàn huyện hiện có 1 nhà văn hóa trung tâm, trên 95% thôn, buôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, 1 nhà thi đấu đa năng, 1 sân cầu lông, 1 sân quần vợt, 1 thư viện với hàng nghìn đầu sách, công viên huyện với một số dịch vụ trò chơi cho trẻ nhỏ và 7 sân bóng mini cỏ nhân tạo ở các xã…

Trẻ em vùng sâu Cư Pui rủ nhau tắm suối (ảnh minh họa )
Trẻ em vùng sâu Cư Pui rủ nhau tắm suối. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ em, nhất là ở các địa bàn vùng sâu vùng xa. Dịp hè là những ngày em Lý Thị Dợ (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Ea Bar, xã Cư Pui) thường xuyên theo cha mẹ lên rẫy. Nhiệm vụ của Dợ là trông em, ru cho em ngủ xong thì ra làm cỏ rẫy cùng bố mẹ, anh chị. Những ngày trời mưa, Dợ được mẹ dạy thêu, vá; hoặc quanh quẩn chơi ở nhà với em chứ không được chơi trò chơi, học đàn, hát múa như các bạn ở thành phố mà Dợ vẫn thấy trên ti vi. 

Tương tự, mùa hè cũng là mùa em Dương Văn Thanh (ở thôn Ea Khiêm, xã Hòa Phong), học sinh lớp 9 Trường THCS Hòa Phong tranh thủ kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Còn nhỏ tuổi song Thanh đã có “thâm niên” 4 năm đi vào rừng kiếm mật ong về bán, không ít hôm em bị ong đốt sưng hết mặt mày. Thanh tâm sự: “Ngày hè, chúng cháu cũng muốn được học các môn năng khiếu, sinh hoạt tập thể hoặc rèn luyện các kỹ năng bổ ích nhưng ở địa phương không có các hoạt động như thế; nhà lại nghèo nên cháu phải vào rừng kiếm mật ong về bán lấy tiền mua sách vở cho năm học mới”… Còn S. (ở thôn Ea Khiêm) cũng vì thiếu vắng sân chơi mà bị game online cám dỗ, vùi đầu chơi game đến nỗi không về nhà ăn cơm, bố mẹ phải đi tìm, bước vào năm học mới không theo kịp chương trình phải bỏ học giữa chừng…

Có thể nói, thiếu sân chơi là tình trạng chung của trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa huyện Krông Bông. Cũng do điều kiện khó khăn nên các tổ chức Đoàn, Đội cũng chưa thể tổ chức được nhiều hoạt động cho thiếu nhi trong các dịp hè. Anh Trần Đức Sơn, Bí thư Đoàn xã Cư Drăm trăn trở: Xã Cư Drăm có trên 1.400 học sinh, trong đó học sinh là người dân tộc thiểu số di cư ngoài kế hoạch chiếm trên 70%. Do điều kiện khó khăn, sân chơi cho các em không có, đội ngũ cán bộ Đoàn chưa có kỹ năng tổ chức mô hình hoạt động cho thiếu nhi nên vào dịp hè, ngoài việc tham gia giải bóng đá thiếu nhi của xã, mỗi tháng tập trung sinh hoạt một lần với những trò chơi dân gian thì các em nhỏ không biết vui chơi ở đâu. Nhiều em ở nhà phụ giúp công việc cho cha mẹ, đến chiều ra đồng thả diều hoặc ra sông suối nghịch nước…

Lễ bế mạc giải bóng đá thiếu niên xã Hòa Phong năm 2019.
Lễ bế mạc giải bóng đá thiếu niên xã Hòa Phong năm 2019.

Hằng năm, để tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi, UBND huyện Krông Bông hỗ trợ mức 2 triệu đồng/xã cho các xã vùng 2 và 3 triệu đồng/xã đối với các xã vùng 3. Như ở xã Hòa Lễ, với số tiền ít ỏi này, chỉ đủ tổ chức một vài hoạt động mang tính chất phong trào như tập hợp các em về sân UBND xã sinh hoạt, chơi trò chơi lớn, in ấn khẩu hiệu tuyên truyền... Để giúp các em ôn tập bài vở trong dịp hè, Đoàn xã phải tham mưu với UBND xã hỗ trợ thêm kinh phí mua sách vở cấp cho học sinh nghèo, vận động các em học sinh THPT có học lực khá, giỏi tham gia ôn tập cho các em. Thiếu những hoạt động vui chơi, giải trí nên ngoài giờ học, nhiều em thiếu nhi lại chúi đầu vào điện thoại, hoặc tìm đến các tiệm Internet chơi game.

Thiết nghĩ, chính quyền, các đoàn thể ở các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo sân chơi cho trẻ em trong những ngày hè. Cần tăng cường vận động các nguồn lực xã hội, đầu tư kinh phí xây dựng sân chơi cho thiếu nhi như: Thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích, mở lớp học tập và rèn luyện kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cơ sở; những nơi có điều kiện về thiết chế văn hóa nên liên kết với những tổ chức, cá nhân có chuyên môn mở các lớp năng khiếu nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt của thiếu nhi trên địa bàn…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.