Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức để học sinh vượt khó

10:18, 12/07/2020

Chương trình nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật do Hội đồng Đội tỉnh phát động từ năm 2011 được các đơn vị đoàn trực thuộc Huyện Đoàn Ea Kar tích cực hưởng ứng, nhờ đó nhiều em học sinh có nguy cơ bỏ học trên địa bàn đã được tiếp sức đến trường.

Cứ đến tháng 3 hằng năm tại Lễ ra quân Tháng thanh niên, Huyện Đoàn Ea Kar đều tổ chức cho Hội đồng Đội các trường, các đoàn trực thuộc Huyện Đoàn và gia đình ký biên bản cam kết nhận đỡ đầu 15 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với kinh phí hỗ trợ 1,8 triệu đồng/năm/em. Số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đã giúp gia đình các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đỡ đi một phần chi phí học tập; kịp thời động viên tinh thần các em nỗ lực vươn lên học tốt, không bỏ học giữa chừng.

Gia đình em Hoàn Thị Như Ý (học sinh lớp 1B, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, xã Cư Ni) thuộc hộ nghèo. Gia đình có 5 thành viên, nhưng không có nhà ở, không có đất sản xuất, bố mẹ em Như Ý phải đi làm thuê, làm mướn, cuộc sống bấp bênh. Qua kết nối của tổ chức Đoàn - Đội huyện Ea Kar, năm 2020 Chi đoàn BIDV Chi nhánh Đông Đắk Lắk nhận đỡ đầu em Như Ý. Với sự giúp đỡ này, Chi đoàn BIDV Chi nhánh Đông Đắk Lắk mong tiếp thêm nguồn động viên cho gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, tiếp tục duy trì việc đến trường của em Như Ý.

Chi đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar nhận đỡ đầu học sinh nghèo.
Chi đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar nhận đỡ đầu học sinh nghèo.

Trước đó, vào năm học 2018 - 2019 em Vi Thị Trà My (lớp 3C, Trường Tiểu học Lê Lợi, xã Cư Huê) cũng được Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện nhận đỡ đầu. Hoàn cảnh của em Trà My rất đáng thương, gia đình thuộc hộ nghèo, bản thân em mắc bệnh u máu, phải thường xuyên đến bệnh viện xạ trị. Để có tiền nuôi các con ăn học và điều trị bệnh cho Trà My, bố mẹ em phải vào các thành phố lớn kiếm việc làm, để lại ba đứa con thơ cho ông bà nội đã già yếu chăm sóc. Dẫu kinh tế gia đình khó khăn, lại thường xuyên nghỉ học để điều trị bệnh nhưng Trà My vẫn cố gắng theo học và luôn đạt học lực khá. Không chỉ hỗ trợ tiền, Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện Ea Kar còn thường xuyên quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ em Trà My và gia đình em trong cuộc sống.

Các em Như Ý, Trà My là 2 trong số 135 học sinh nghèo, mồ côi, khuyết tật được các đoàn trực thuộc Huyện Đoàn Ea Kar nhận đỡ đầu trong những năm qua. Anh Trần Đức Cường, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea Kar cho hay: “Vào đầu mỗi năm học, Hội đồng Đội huyện Ea Kar chỉ đạo Hội đồng Đội các trường học trên địa bàn rà soát, tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh của từng học sinh cần giúp đỡ để có kế hoạch kêu gọi, vận động các đoàn trực thuộc nhận đỡ đầu. Trong hơn 9 năm qua, chương trình đã được các đơn vị đoàn trực thuộc nhiệt tình ủng hộ. Nhiều đơn vị sẵn sàng nhận hỗ trợ trên 2 học sinh nghèo/năm. Tiêu biểu có thể kể đến Chi đoàn cơ sở Công an huyện Ea Kar nhận đỡ đầu từ 3 - 6 học sinh/năm; hay như Chi đoàn BIDV Chi nhánh Đông Đắk Lắk những năm gần đây, mỗi năm học đều nhận giúp đỡ 2 học sinh khó khăn...

Tại Lễ ra quân Tháng Thanh niên hằng năm, nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được trao kinh phí hỗ trợ.
Tại Lễ ra quân Tháng Thanh niên hằng năm, nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được trao kinh phí hỗ trợ.

Với niềm tin "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", chương trình nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật do Hội đồng Đội tỉnh phát động đã tiếp thêm nghị lực cho nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện tiếp tục đến trường. Đây là hoạt động nhân văn, góp phần lan tỏa sự sẻ chia, tình người trong cuộc sống. "Chương trình ý nghĩa này cần sự chung tay của nhiều tấm lòng hảo tâm mới có thể duy trì lâu dài, nhân rộng hơn nữa”, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ea Kar, Trần Đức Cường mong muốn.

Bên cạnh nhận đỡ đầu, Huyện Đoàn Ea Kar còn thường xuyên vận động các mạnh thường quân trao quà, tặng xe đạp, học bổng… giúp đỡ, tiếp thêm động lực cho học sinh nghèo trên địa bàn huyện không bỏ dở việc học.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.