11:15, 31/08/2020
Khi màn đêm buông xuống, lúc mọi người nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày lao động vất vả thì ở đâu đó trên các buôn làng xa xôi của huyện Krông Ana, ánh điện lại được thắp lên ở nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số lại say sưa với những bài học, trang sách, cuốn vở…
Nhiều năm nay, Huyện Đoàn Krông Ana phối hợp cùng các đơn vị đã tổ chức lớp xóa mù chữ miễn phí cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao dân trí cho người dân ở vùng sâu vùng xa, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn ít có điều kiện đến trường. Những lớp học ấy thường được tổ chức vào tối muộn và kết thúc vào đêm khuya. Học viên đều đã ở cái độ tuổi “U40”, thậm chí nhiều người đã hơn 60 tuổi rồi, nhưng vẫn chăm chỉ đến lớp học.
|
Các học viên lớp học xóa mù chữ ở buôn Drai (xã Ea Na, huyện Krông Ana) miệt mài tập viết chữ tại lớp học. |
Hai lớp học xóa mù chữ miễn phí đầu tiên cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số được Huyện Đoàn Krông Ana phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tại buôn K’rang và buôn Kmăl (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) vào năm 2016. Chị em phụ nữ nơi đây chủ yếu nghỉ học từ nhỏ để làm lụng trên nương rẫy, bởi thế nhiều người không thể viết nổi tên mình mà luôn phải điểm chỉ trong các giao dịch dân sự, vay vốn, nhận tiền hỗ trợ…
Để tổ chức lớp học, Đoàn Thanh niên đã phối hợp cùng Chi hội Phụ nữ của hai buôn phải đi vận động chị em từ trước đó hai tháng. Đồng thời, huy động lực lượng giảng dạy là những thanh niên, giáo viên tình nguyện ở các trường trên địa bàn huyện Những ngày đầu mở lớp, các học viên còn e ngại, rụt rè không dám đến lớp, bởi thế mỗi lớp chỉ có 10 - 15 học viên. Tuy vậy, nhờ sự vận động của Chi hội Phụ nữ buôn cũng như sự nhiệt tình, tận tâm của các thầy cô, sĩ số lớp học ngày càng tăng lên, từ 30 - 40 học viên ở mỗi lớp. Qua ba tháng triển khai lớp học, hầu hết các học viên đã biết đọc, viết và làm những phép toán đơn giản.
Sau thành công của hai lớp học đầu tiên, hằng năm Huyện Đoàn Krông Ana đều phối hợp với các đơn vị tổ chức mỗi năm ít nhất một lớp học xóa mù chữ cho bà con ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số như: buôn Drai, buôn Cuah, buôn Tơ Lơ (xã Ea Na), buôn Ê Căm (thị trấn Buôn Trấp)… Nội dung học tập cũng được xây dựng phù hợp với thực tế cuộc sống của bà con như: dạy chữ cái, phép tính đơn giản, lồng ghép tuyên truyền các kiến thức về an toàn giao thông, giáo dục sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình… Qua đó đã thu hút nhiều người đều đặn đến lớp hơn, sĩ số luôn được duy trì từ 40 - 60 học viên mỗi lớp.
|
Các học viên lớp học xóa mù chữ ở buôn Cuah (xã Ea Na, huyện Krông Ana). |
Tham gia lớp học xóa mù chữ không chỉ có chị em phụ nữ mà nhiều nam thanh niên hay những người đàn ông lớn tuổi cũng kiên trì đến lớp. Như anh Y Jim Byă (39 tuổi, học viên lớp xóa mù chữ ở buôn Cuah, xã Ea Na), khi biết tin lớp học được mở, sau một ngày tất bật trên nương rẫy, anh cùng vợ lại mang hai đứa con nhỏ gửi nhờ bà ngoại trông hộ rồi cùng nhau đến lớp học. Nhờ chăm chỉ, kiên trì đến lớp nên anh tiến bộ rất nhanh và là “học sinh giỏi” của lớp, được nhận giấy khen khi kết thúc khóa học.
Mỗi lớp xóa mù chữ sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ 2 - 3 tháng, với mục đích là dạy đến khi nào hầu hết học viên đều có thể biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản. Trong hành trình “mang con chữ về với buôn làng” ấy, không thể không kể đến công sức của những tình nguyện viên là đoàn viên, thanh niên, giáo viên trên địa bàn huyện. Họ đã không quản ngại đường xa, dành thời gian, công sức đều đặn lên lớp. Như chị Hòa Thị Hằng (Bí thư Đoàn xã Ea Na), dù bận công việc, gia đình, nhưng khi lớp học được tổ chức tại địa phương vào năm 2019, suốt gần ba tháng trời, mỗi tối chị đều chăm chỉ đến dạy, không bỏ buổi nào. Chị Hằng chia sẻ, chị cảm thấy vui khi bà con ở đây rất háo hức với lớp học và chuyên cần đến lớp. Dù nhiều hôm trời mưa to, nhưng mọi người vẫn mặc áo mưa, soi đèn đi học đúng giờ. Trong những buổi học ấy, hình ảnh các bà, các mẹ soi đèn nắn nót tập đánh vần, viết từng con chữ, làm toán hay những em bé ngủ say sưa trên lưng mẹ có lẽ là điều không quá xa lạ.
Năm nay, lớp học xóa mù chữ lại được mở ở buôn Kala (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) thu hút hơn 40 học viên tham gia. Lớp học vừa khai giảng vào tháng 7 vừa qua, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đang bị tạm hoãn sau vài buổi học. Khát khao được “đọc thông, viết thạo”, bà H’pat Niê (61 tuổi) trải lòng, hồi nhỏ bà cũng có học được ít, biết mặt chữ, thế nhưng do đời sống gia đình khó khăn nên đến lớp 2 thì bà đã nghỉ học ở nhà, cái chữ vì thế cũng “rơi rụng” dần trên nương, trên rẫy. Thời gian trôi qua, giờ con cái đã lập gia đình, bà lại muốn được học để có thể đọc sách báo hay đơn giản là tìm thêm niềm vui tuổi về già.
Hy vọng rằng, thời gian tới, những lớp học này sẽ tiếp tục được duy trì và tổ chức bài bản, qua đó giúp xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Ý kiến bạn đọc