Multimedia Đọc Báo in

Cô nữ sinh nghèo, khuyết tật và khát khao vào đại học

09:02, 24/09/2020

Chân và tay không được lành lặn, mẹ thì mắt bị đục pha lê thể gần như không nhìn được, bố bị u xơ thần kinh, mất sức lao động nhưng em Đặng Ngọc Bảo Châu, lớp 12 Trường THPT Krông Bông (huyện Krông Bông) vẫn vươn lên trở thành tấm gương vượt khó trong học tập.

Trong căn nhà tuềnh toàng mà gia đình Bảo Châu sinh sống ở thôn 3, xã Ea Trul (huyện Krông Bông), món đồ có giá trị lớn nhất có lẽ là chiếc xe cup 50 được một nhà hảo tâm tặng để giúp em đến trường.

Ngay từ lúc mới sinh, chân trái của Bảo Châu đã bị dị tật khớp giả xương chày. Từ đó đến nay, Bảo Châu đã trải qua 6 lần phẫu thuật, thế nhưng bao công sức và tiền bạc của gia đình đều không thành công và cuối cùng Châu phải phẫu thuật cưa và lắp chân giả. Cánh tay phải của em vào năm lớp 6 bị bệnh bướu sợi thần kinh, nổi lên 8 cục bướu phải đi phẫu thuật. Thế nhưng, phẫu thuật chưa xong thì hai ngón tay cầm bút của Châu cũng bị liệt. Châu phải mất gần một năm tập viết trở lại. Châu tâm sự: "Khoảng thời gian này em vô cùng khủng hoảng vì lo không thể viết lại được như bạn bè nên cố gắng tập viết. Khi viết nguệch ngoạc được những dòng chữ đầu tiên, em quên đi những cơn đau nhức trong cơ thể và càng có động lực để cố gắng hơn".

Em Đặng Ngọc Bảo Châu cùng bố mẹ.
Em Đặng Ngọc Bảo Châu cùng bố mẹ.

Bệnh tật hành hạ Châu chưa đủ, bố của em cũng bị bệnh u xơ thần kinh khiến toàn thân thể nổi lên nhiều khối u, mất sức lao động. Kinh tế của cả gia đình chỉ trông vào 1,5 sào ruộng cùng với việc làm thuê của bố khiến gia đình rất khó khăn. 

Vất vả là vậy nhưng Châu không lùi bước. Chuyên cần, vượt khó, trong 12 năm học em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Chia sẻ hành trình vượt qua nỗi đau đớn và khó khăn, Bảo Châu bày tỏ: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đi lại, vận động nhưng em luôn nhận được sự đùm bọc, yêu thương của bạn bè, thầy cô thường xuyên động viên, an ủi, hỗ trợ, giúp em có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, em còn thường xuyên đi làm thiện nguyện, giúp tinh thần em trở nên nhẹ nhàng rất nhiều. Em ước mơ sau này có thể trở thành một người hoạt động trong ngành công tác xã hội, góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội". Và trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bảo Châu đã đạt tổng điểm 23 điểm với nguyện vọng vào ngành Công tác xã hội của Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Thế nhưng, để có thể thực hiện được ước mơ của mình Bảo Châu phải đối diện với thực tế là gia đình còn rất khó khăn và con đường vào đại học của cô nữ sinh khuyết tật rất chông chênh. Cô Nguyễn Thị Sương, giáo viên dạy môn sử Trường THPT Krông Bông chia sẻ: “Hoàn cảnh của gia đình em Châu rất khó khăn, để có thể giúp em được đi học đại học, gia đình em rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm”.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.