Huyện Krông Bông: Những bất cập trong quản lý khu bán trú ở các trường vùng sâu
Tại các xã vùng sâu Cư Pui và Cư Drăm (huyện Krông Bông) hiện có hơn 1.000 học sinh người dân tộc Hmông đang học ở các Trường THPT Trần Hưng Đạo, Trường THCS Cư Pui và Trường THCS Cư Drăm; trong đó nhiều em nhà cách trường từ 10 - 30 km.
Để đáp ứng nhu cầu cho học sinh ở lại trọ học, một số trường đã đầu tư xây dựng mới khu bán trú hoặc cải tạo phòng học cũ thành phòng ở cho các em. Tuy nhiên, do chưa được công nhận là khu bán trú nên các trường không bố trí được biên chế khiến một số khu bán trú sau khi đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả.
Năm học 2020 - 2021, Trường THPT Trần Hưng Đạo có hơn 200 học sinh người dân tộc Hmông; trong đó có hàng chục em ở lại trường do nhà xa. Năm 2016, trường đã được đầu tư kinh phí để cải tạo, nâng cấp 2 dãy phòng học cũ của Trường THCS Cư Drăm thành 16 phòng ở tập trung cho học sinh; xây dựng khu bếp ăn, công trình vệ sinh, đủ điều kiện đáp ứng chỗ ở cho khoảng 160 học sinh. Khi khu bán trú được đưa vào sử dụng, đã có 30 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo và 45 học sinh Trường THCS Cư Drăm vào ở.
Nhà ăn khu bán trú Trường THPT Trần Hưng Đạo được xây dựng khang trang nhưng học sinh không sử dụng. |
Tuy nhiên, vì chưa được công nhận là mô hình bán trú, không có biên chế quản lý nên việc sinh hoạt của học sinh tại đây không có ai giám sát, quản lý. Không ai kiểm soát nên giờ giấc tự học, nghỉ ngơi, việc ăn uống, nước sinh hoạt đến vệ sinh của các em đều tùy tiện, lộn xộn, không bảo đảm vệ sinh. Dù đã có nhà ăn được xây dựng khang trang, sạch sẽ nhưng các em không sử dụng mà tự nấu ăn ngay tại phòng ngủ; công trình vệ sinh nhếch nhác, bẩn thỉu do các em thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung; nước sinh hoạt sử dụng không tiết kiệm nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, nhất là trong mùa khô; một số thanh niên bên ngoài vào chơi, nhậu nhẹt... ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của học sinh và khiến nhiều phụ huynh không yên tâm. Năm học 2020 – 2021, Trường THPT Trần Hưng Đạo đã tiến hành sửa chữa lại bếp ăn, giếng khoan, công trình vệ sinh của khu bán trú. Song do vẫn còn tình trạng đề cập ở trên nên nhiều gia đình ngại cho con ở bán trú; đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 20 học sinh đăng ký ở lại khu bán trú (10 em Trường THPT Trần Hưng Đạo và 10 em Trường THCS Cư Drăm), còn đa số các em đi về hằng ngày hoặc vẫn ở trong những căn lều do phụ huynh thuê đất dựng tạm.
Trường THCS Cư Drăm (xã Cư Drăm) cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2013, nhà trường được Hội Phụ nữ Công an tỉnh hỗ trợ xây tặng 2 phòng ở bán trú có diện tích 36 m2, đáp ứng chỗ ở cho 16 học sinh. Do không có người quản lý, điều kiện sinh hoạt ở khu bán trú phức tạp: đồ đạc, chỗ học, chỗ sinh hoạt lộn xộn, công trình vệ sinh ít được dọn rửa, sinh hoạt thiếu sự kiểm soát... nên học sinh chỉ vào ở được mấy năm, đến nay không còn em nào ở lại nhà bán trú.
Hai phòng ở bán trú do Hội phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk xây tặng học sinh Trường THCS Cư Drăm nhưng đến nay không có học sinh nào ở. |
Còn Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui) mới đưa vào sử dụng khu nhà ở bán trú 10 phòng cùng với bếp ăn tập trung, công trình vệ sinh, được xây dựng từ nguồn vốn Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2. Hiện đã có hơn 60 học sinh vào ở khu bán trú. Tuy nhiên, việc sinh hoạt của các em thiếu tính tự giác, trong khi nhà trường lại không có biên chế phụ trách bán trú nên không biết mô hình này có duy trì được lâu hay không.
Được biết, nhiều phụ huynh không muốn cho con em vào ở các khu bán trú vì lo lắng thiếu nước sinh hoạt, công trình vệ sinh không đảm bảo; việc sinh hoạt đông người thiếu sự quản lý nên các em không tự giác học... Một số phụ huynh lo ngại nếu cho con ở bán trú sẽ không được nhận tiền hỗ trợ về nhà ở theo Nghị định 116 của Chính phủ.
Từ năm học 2021 - 2022, bậc THCS sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu từ lớp 6, các em phải học 2 buổi/ngày thì nhu cầu ở bán trú của học sinh chắc chắn sẽ rất lớn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm học sinh có chỗ ở an toàn, sạch sẽ, không còn phải ở trong những căn lều dựng tạm bợ bên ngoài thì các trường có học sinh ở bán trú cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phụ huynh, học sinh về sự thuận lợi và an toàn khi các em được ở trong khu bán trú; vận động phụ huynh thực hiện xã hội hóa, đóng góp kinh phí hợp đồng nhân viên để quản lý, phục vụ khu bán trú. Về lâu dài, các trường cũng rất mong sự quan tâm của cấp trên hỗ trợ kinh phí nâng cấp khu ở bán trú, công nhận và bổ sung biên chế về quản lý cho những trường duy trì khu bán trú; đồng thời có kế hoạch thực hiện chia tách Trường THCS Cư Drăm (điểm Yang Hăn) và Trường THCS Cư Pui (điểm Ea Lang) để gần 1.000 học sinh nơi đây không phải đi học xa hàng chục cây số như hiện nay.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc