Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021:
Đánh giá đúng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên
Lần đầu tiên được tổ chức theo Thông tư số 22/TT-BGDĐT, ngày 20-12-2019 của Bộ GD-ĐT, Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021 diễn ra từ ngày 22-3 đến ngày 3-4 vừa qua đã giúp 363 giáo viên đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố chứng tỏ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều tiết dạy chất lượng.
Theo quy định tại Thông tư 22/TT-BGDĐT, trong thời gian 30 phút giáo viên dự thi phải thuyết trình trực tiếp về giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy thay vì "thi" trên hồ sơ như trước; giải pháp dùng để đăng ký dự thi phải được áp dụng lần đầu tại hội thi. Tiếp đó là bốc thăm dự thi thực hành một tiết dạy trên lớp, giáo viên không được dạy thử và thời gian chuẩn bị các điều kiện thi thực hành không quá 2 ngày trước thời điểm thi. Tuy hơi bỡ ngỡ trước những yêu cầu mới của hội thi nhưng nhiều giáo viên dự thi cho rằng, chính sự thay đổi này đã đánh giá đúng thực chất, khách quan năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên và khả năng của học sinh.
Một tiết dạy thực hành của giáo viên tham gia hội thi. |
"Những đổi mới về nội dung, cách thức tổ chức của hội thi đã giúp ngành giáo dục tỉnh có cái nhìn toàn diện về tình hình dạy và học ở bậc mầm non, đánh giá đúng thực chất năng lực của giáo viên, từ đó có các giải pháp phù hợp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Đồng thời cũng mong muốn các thầy, cô giáo dù công tác ở những điều kiện khác nhau, tuổi đời, tuổi nghề khác nhau nhưng tất cả đều giữ vững lòng yêu nghề, mến trẻ, nỗ lực vượt qua khó khăn, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh".
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa
|
Công tác tại địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn nhưng cô Vũ Thị Yến, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Đào (xã Krông Á, huyện M’Drắk) đã chứng tỏ năng lực sư phạm của mình và xuất sắc đoạt giải Nhất hội thi. Kết quả này là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của cô Yến trong suốt 10 năm tìm kiếm phương pháp để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ở ngôi trường vùng khó khăn.
Việc kết hợp giảng dạy lồng ghép trên lớp và tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế đã giúp học sinh phát triển toàn diện, học được những kỹ năng cần thiết, mạnh dạn trong giao tiếp, xử lý linh hoạt các tình huống. Biện pháp giảng dạy của cô Yến nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo. Phần thi thực hành tiết dạy cũng được cô Yến thực hiện khá tốt theo định hướng phát triển năng lực học sinh, áp dụng những phương pháp mới và có những câu hỏi gợi mở giúp các em hiểu bài tốt hơn.
“Tôi rất bất ngờ với kết quả đạt được vì mình là một giáo viên công tác ở xã vùng III, điều kiện giảng dạy còn nhiều khó khăn. Cảm ơn Ban tổ chức hội thi đã tạo cơ hội cho chúng tôi được giao lưu, học hỏi và thể hiện năng lực bản thân”- cô Yến chia sẻ trong niềm vui mừng.
Với cô Đỗ Thị Thanh Huyền, giáo viên công tác tại Trường Mầm non Ea Nam (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo), làm thế nào để chuẩn bị tâm lý cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1 đang là vấn đề trăn trở. Để giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và thích đi học, cô Huyền đã tổ chức các tiết học giúp trẻ có kỹ năng sử dụng sách, vở, bút, cặp; tạo cơ hội cho trẻ làm quen với thao tác đọc, viết; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phát triển vận động cho trẻ; đặc biệt là hướng dẫn phụ huynh tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc trẻ em tại nhà.
Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thi, hầu hết giáo viên dự thi đều thực hiện nghiêm túc quy định của Hội thi. Nhiều giải pháp thể hiện tâm huyết của giáo viên đối với trẻ mầm non trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Nội dung các báo cáo rõ ràng, có thu thập minh chứng bằng video, hình ảnh phù hợp với thực tế, thể hiện đổi mới phương pháp, cách tiếp cận dạy học theo quan điểm “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. Ở phần thi thực hành, tuy thời gian làm quen với trẻ rất ít nhưng các giáo viên tham dự đều có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Một số giáo viên đã tổ chức các hoạt động mang tính nghệ thuật hấp dẫn, lôi cuốn trẻ tham gia.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa tặng Giấy khen cho các giáo viên đoạt giải tại hội thi. |
Tuy nhiên, qua hội thi cũng bộc lộ những vấn đề cần được quan tâm như: một số giáo viên còn lúng túng trong việc vận dụng các phương pháp dạy học, phân bố thời gian chưa hợp lý nên chưa phát huy được hiệu quả tối đa; kỹ năng xử lý tình huống sư phạm còn nhiều hạn chế, chưa chú ý đến đặc điểm cá nhân trẻ; vẫn còn một vài biện pháp có cách làm chung chung, cách giải quyết không hiệu quả, thiếu minh chứng….
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc