Nỗi niềm bóng đá Việt
Cách đây hơn 20 năm, khi bóng đá Việt Nam chưa thi đấu theo thể thức sân nhà – sân khách thì sân vận động Buôn Ma Thuột thường xuyên được chọn tổ chức các trận đấu ở giải Vô địch quốc gia. Ngày ấy, cầu thủ ra sân với tâm thế của những “chiến binh” thực thụ.
Họ cống hiến cho người hâm mộ những đường bóng đẹp mắt, một tinh thần thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Những đội bóng như Sông Lam Nghệ An, Sông Bé (cũ) hay Khánh Hòa… vẫn hằn sâu trong tiềm thức mỗi người. Và cũng ngày ấy, mỗi trận đấu thật sự là một ngày hội đối với người dân Dak Lak. Các trận đấu thường diễn ra vào lúc 15 giờ, nhưng người dân ở các huyện xa đã có mặt ở thị xã Buôn Ma Thuột từ khá sớm. Khi có một trận đấu, khán đài thường chật kín khán giả, cổ vũ một cách vô tư hào hứng ngay từ lúc những cầu thủ ra sân khởi động. Thập niên 90, khi đội tuyển quốc gia hòa nhập trở lại sân chơi khu vực, đường phố Buôn Ma Thuột tràn ngập người hâm mộ xuống đường ăn mừng sau mỗi trận đấu thành công của đội tuyển. Hình ảnh những gương mặt hớn hở, những cái bắt tay thật chặt của những con người xa lạ trong rừng cờ hoa mỗi khi xuống đường chúc mừng chiến thắng của đội tuyển như một điều gì đó rất cao cả mà bóng đá mang lại.
Hình ảnh những khán đài trống vắng không còn là điều xa lạ với những giải bóng đá của Việt Nam. |
Đó là những cái của ngày xưa. Theo thời gian, trải qua bao thăng trầm, bóng đá Việt Nam đã “lên chuyên”. Ngay từ những ngày đầu khoác cái danh Giải bóng đá chuyên nghiệp, người hâm mộ cũng tràn trề hy vọng. Dẫu biết "chiếc áo không làm nên thầy tu", nhưng trong cái thời điểm bóng đá đang có dấu hiệu đi xuống ấy thì mong mỏi vực lại một thời vàng son đã mang lại niềm lạc quan lớn cho biết bao người hâm mộ. Các đội bóng được các ông chủ nhiều tiền, lắm của “đỡ đầu”, cầu thủ bóng đá nhận lương, tiền lót tay tỷ này tỷ nọ và thật là chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại có nhiều “hội thảo”, nhiều “tầm nhìn chiến lược phát triển” hướng đến tương lai và thậm chí là hướng đến cả World Cup nữa - nhiều người ví các “hội thảo”, “tầm nhìn chiến lược phát triển” không khác gì việc "đếm cua trong lỗ". Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, người hâm mộ đã vỡ ra nhiều điều. Cái sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam còn tệ hơn cả thời bao cấp. Các đội bóng tiếng tăm như Thể Công, Công an TP. Hồ Chí Minh, Cảng Sài Gòn…lần lượt biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Thay vào đó là những cái tên lạ hoắc, gắn liền với các doanh nghiệp của các “ông bầu”. Dù đã nhận được khá nhiều tiền từ các khoản khác nhau, nhưng cầu thủ cũng vẫn chỉ chắm chăm “đá vì tiền” mà bất chấp tất cả, mà tệ nhất là bất chấp yếu tố không thể thiếu được là người hâm mộ. Cầu thủ nhập cuộc với tâm lý “nhìn trước nhìn sau” để đá, nên khán giả liên tục phải chứng kiến những trận cầu “cuội”. Hệ quả tất yếu là người hâm mộ bóng đá Việt Nam quay lưng với bóng đá nước nhà. Khán đài vắng hoe, sân cỏ chỉ còn lại tiếng chạy huỳnh huỵch của cầu thủ, tiếng la hét của ban huấn luyện. Nghĩ mà xót.
Cũng theo xu thế phát triển, Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (PVF) ra đời để thay thế cho một bộ máy của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), vốn đã quá ọp ẹp, điều hành các giải đấu trong nước. Lại một lần nữa, người hâm mộ lại tràn trề hy vọng. Khán giả đã lục đục quay lại sân, khán đài đã ấm áp hơn khi có sự góp mặt của những người đam mê quả bóng tròn. Thế nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Ngay từ khi PVF ra đời, thay vì tập trung cho việc vạch ra con đường phát triển của bóng đá Việt Nam thì các quan chức của công ty này lại rơi vào vòng xoáy các vụ tranh chấp từ cái tên giải đấu cho đến bản quyền truyền thông…để rồi các giải đấu như rắn mất đầu. Và một lần nữa, mà có lẽ chưa phải là lần cuối cùng, người hâm mộ lại thất vọng ê chề.
Thể thao nói chung, bóng đá nói riêng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội, bởi thế người hâm mộ không thể hoàn toàn quay lưng lại với bóng đá Việt Nam. Nhiều người nói, cái gì diễn ra mãi rồi cũng quen, với người hâm mộ bóng đá Việt Nam thì thất vọng mãi rồi cũng thành quen. Vậy nên, người hâm mộ chỉ còn biết hy vọng và ước gì, bóng đá Việt Nam được như ngày xưa…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc