Multimedia Đọc Báo in

Cử tạ Dak Lak - Niềm vui và mong ước

10:39, 28/12/2012

Năm mới đến là dịp để chúng ta “ôn cố tri tân”, nhìn nhận lại những việc đã làm được trong năm cũ và phấn đấu vươn lên. Năm 2012 đi qua, cử tạ Dak Lak đã “gom góp” được một số thành tích và ngày càng hứa hẹn nhiều thành công hơn nữa khi lực lượng vận động viên (VĐV) đang dần đi vào ổn định.

Các vận động viên đội tuyển cử tạ Dak Lak  nỗ lực trong tập luyện.
Các vận động viên đội tuyển cử tạ Dak Lak nỗ lực trong tập luyện.

Cử tạ là môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, chính vì vậy các trung tâm thể thao lớn trong nước đưa vào kế hoạch huấn luyện của mình. Trong quá trình hội nhập thể thao thành tích cao, cử tạ Dak Lak tuy mới thành lập gần 7 năm (tháng 3-2006) nhưng đã gặt hái được nhiều thành tích. Chỉ tính riêng năm 2012, đội tuyển cử tạ Dak Lak tham dự 5 giải thi đấu quốc gia, khu vực và quốc tế, giành được 40 Huy chương các loại. Trong đó có 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ tại Giải Vô địch Cử tạ toàn quốc 2012; 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại Giải Vô địch Cử tạ Trẻ toàn quốc 2012; 3 HCV, 10 HCĐ, 3 HCĐ và xếp thứ ba toàn đoàn Đồng đội nữ tại Giải Vô địch TP. Hồ Chí Minh mở rộng 2012… Tuy chưa giành được nhiều thành tích so với những tên tuổi của làng cử tạ Việt Nam, nhưng với những kết quả đạt được đã phần nào nói lên sự cố gắng của đội ngũ huấn luyện cùng sự nỗ lực của VĐV. Hiện tại, đội cử tạ Dak Lak có 15 VĐV (4 nữ) ở 3 tuyến là năng khiếu - tuyển trẻ và đội tuyển. Đa số các VĐV đã gắn bó với môn thể thao cơ bắp này từ nhiều năm nay và cũng thi đấu khá ấn tượng. Trong số đó, niềm hy vọng của cử tạ Dak Lak là tuyển thủ Nguyễn Viết Mạnh (SN 1990, hạng cân 105kg nam) khi em vừa giành được 3 HCV toàn quốc trong năm 2012 tại các giải với mức tổng cử 277kg. Những ngày này đến Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh, chứng kiến thầy trò Trần Ngọc Đức tập luyện mới thấy hết sự vất vả của những người theo nghiệp cử tạ. Trong phòng tập, các học trò đang “gồng mình” với cử đẩy, giật, mồ hôi ướt đầm vai áo và thầy Trần Ngọc Đức luôn theo sát nhắc nhở, uốn nắn từng động tác kỹ thuật. HLV Trần Ngọc Đức cho biết: “Cử tạ là một trong những môn đòi hỏi thể lực của các vận động viên (VĐV) phải có sức khỏe, dẻo dai bởi phải dồn sức nâng tạ rất nặng trong thời gian ngắn, nếu không có sức khỏe sung mãn thì khó mà theo tập được. Để nâng được mức tạ nặng các VĐV cũng phải có nhiều kỹ thuật như: Cử đẩy, cử giật… mỗi một động tác đều khác nhau để phát huy tốt nhất cơ bắp của mình nên VĐV phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện động tác sao cho chuẩn”. Những VĐV gắn bó với cử tạ luôn đòi hỏi lòng kiên trì, bởi đây là một môn thể thao dễ dẫn đến nhàm chán nhất vì mỗi động tác cứ phải tập đi tập lại và loay hoay với một đống tạ vô tri vô giác nên không ít VĐV sau một thời gian gắn bó đã từ bỏ vì… buồn. Đối với 1 VĐV chuyên nghiệp thì việc đào tạo cử tạ không phải ngày một ngày hai mà phải trải qua một thời gian luyện tập lâu dài, tập vì niềm đam mê. Bên cạnh đó nếu như các VĐV nam hồ hởi với môn tập tạ vì nó mang đến một cơ bắp đẹp, thì các VĐV nữ lại thấy nó quá xấu. Bởi con gái mà cơ bắp “cuồn cuộn” thì thật là khó coi và mất hết vẻ nữ tính. Chính vì vậy các VĐV nữ theo tập môn cử tạ thường rất hiếm và họ rất can đảm mới dám gắn bó với môn thể thao này.

Nếu so với những địa phương mạnh về môn cử tạ trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… thì hơi “khập khiễng” nhưng với những gì đã giành được trong quá trình hội nhập thể thao thành tích cao cùng tinh thần tập luyện và sự quan tâm đầu tư của ngành TDTT tỉnh, hy vọng đội tuyển cử tạ một ngày nào đó sẽ làm rạng danh thể thao Dak Lak trên trường quốc tế.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc