Multimedia Đọc Báo in

Không chỉ là việc thuê chuyên gia cho bóng đá Việt Nam

08:25, 04/01/2013

Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa hoàn tất việc thuê chuyên gia Nhật Bản tham gia điều hành V-League, với mục đích làm cho giải đấu quy củ, chuyên nghiệp hơn. Rõ ràng đây là một nỗ lực đáng khen để vực lại nền bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà bóng đá Việt Nam cần trong giai đoạn hiện nay không chỉ dừng lại ở việc thuê chuyên gia ngoại.

Một trong những nhiệm vụ chính của ông Kazuyoshi Tanabe là phát triển tuyến trẻ cho bóng đá Việt Nam
Một trong những nhiệm vụ chính của ông Kazuyoshi Tanabe là phát triển tuyến trẻ cho bóng đá Việt Nam.

Với chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe trong vai trò Phó tổng giám đốc VPF, lần đầu tiên trong lịch sử bộ máy điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ có sự xuất hiện của nhân tố nước ngoài. Chuyên gia Kazuyoshi Tanabe được đích thân giám đốc điều hành J-League (giải vô địch Nhật Bản) giới thiệu với VPF. Ông Kazuyoshi Tanabe từng tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh thuộc khối trường đại học danh tiếng Nihon. Ngay từ khi đặt chân vào thế giới bóng đá, vị giám đốc điều hành (CEO) 52 tuổi này đã được đánh giá rất cao về khả năng tổ chức, điều hành của mình. Yokohama chính là CLB đầu tiên mà chuyên gia Kazuyoshi Tanabe tới làm công tác điều hành, khi đó là năm 1999. Chỉ sau 5 năm làm việc, đội bóng Yokohama vốn chỉ thuộc hạng xoàng của Nhật Bản, đã trở thành một đội bóng mạnh về mọi mặt và có tên tuổi trong làng bóng đá xứ sở mặt trời mọc. Từ một đội bóng yếu ở giải hạng ba, Yokohama lên chơi giải J2 vào năm 2000. Những thành công này được cho là có công rất lớn từ ông Kazuyoshi Tanabe. Cũng trong thời gian làm việc tại đội bóng quê nhà, ngoài việc giúp đội hoạch định chiến lược, ông Kazuyoshi Tanabe còn kéo về rất nhiều bản hợp đồng có giá trị. Sau CLB Yokohama, ông Kazuyoshi Tanabe đến CLB Avispa Fukuoka (đội từng sang Việt Nam thi đấu BTV Cup), Ryukyu. Với nhiều dấu ấn đạt được chỉ trong một thời gian ngắn, chuyên gia Kazuyoshi Tanabe được rất nhiều đội bóng châu Âu quan tâm và một trong số đó là Grenoble Foot 38 của Pháp, chơi ở giải Ligue 2. Trong 3 năm làm việc tại đây, theo một con số được ghi lại, mỗi năm ông Kazuyoshi Tanabe mang lại lợi nhuận cho CLB không dưới 6 triệu Euro. Năm 2008, Grenoble Foot 38 thăng hạng và sau đó, chuyên gia Kazuyoshi Tanabe đã nói lời chia tay để tìm kiếm một môi trường mới. Cứ đến đâu, ông Kazuyoshi Tanabe đều đặt những dấu ấn của mình, trong đó, đáng chú ý là khả năng giúp các CLB tổ chức tốt khâu đào tạo trẻ, kéo khán giả tới sân, tạo ra những động lực kinh tế... Thành công đáng chú ý nhất ở vị CEO này, chính là từng đàm phán thành công mời cựu danh thủ Pierre Littbarski (Đức), vô địch World Cup 1990, làm HLV đội Yokohama.

Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng cho biết: “VPF rất cần một người có năng lực, nhiều kinh nghiệm như vậy để cố vấn cho Chủ tịch, tham mưu cho HĐQT công ty trong việc hoạch định các chiến lược phát triển”. Rõ ràng, ông Kazuyoshi Tanabe chính là người VPF đang cố công tìm kiếm. Tài năng của vị chuyên gia người Nhật đã được chứng minh, thế nhưng liệu ông có thành công trong việc chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam hay không lại đang là một dấu hỏi lớn. Không tính đến khoản tiền lương trả cho chuyên gia Nhật Bản vào khoảng 20 nghìn USD/tháng, một khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, mà chỉ tính đến hiệu quả mang lại của việc tiêu tốn số tiền này. Kỳ vọng của VPF là xây dựng V-League đi theo con đường mà J-League, do Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản tổ chức,  đang đi. Nhiệm vụ hàng đầu của chuyên gia Tanabe là đến để tìm tiền cho bóng đá Việt Nam và thúc đẩy bóng đá trẻ phát triển. Thế nhưng như thừa nhận của Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn, J-League là mô hình tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp theo cơ chế chuyên nghiệp có khoa học, có tổ chức, có kỷ luật nhất trong các nước châu Á - điều mà V-League hoàn toàn không có. Ông Kazuyoshi Tanabe sẽ phải điều hành một giải đấu mà nó có tồn tại hay không tồn tại phụ thuộc hoàn toàn vào các "ông bầu", một giải đấu mà như cách nói của nhiều người là có những chuyện kỳ khôi mà chẳng có nền bóng đá nào trên thế giới có chứ chưa nói đến nhưng nơi mà vị chuyên gia này từng làm việc. “Một ông chủ 2 đội bóng”, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, hay những “quyền lực đen” có thể chi phối chức vô địch..., còn bóng đá trẻ ở các câu lạc bộ thì gần như là con số không. Những vấn đề trên đang là “căn bệnh” trầm kha của bóng đá Việt Nam, nhưng chắc chắn là những điều mà ông Kazuyoshi Tanabe chưa bao giờ phải đối mặt trong suốt 13 năm làm bóng đá của mình.

Hàng loạt vấn đề cần được hóa giải, nhưng gần như không có vấn đề nào thuộc về nhiệm vụ của vị CEO người Nhật. Vậy nhưng tất cả những thứ đó lại là nguyên nhân hàng đầu đang giết chết bóng đá Việt Nam. Thế nên việc bỏ ra mỗi tháng gần nửa tỷ đồng để thuê chuyên gia nước ngoài trong thời điểm hiện nay nếu muốn phát huy tác dụng thì chúng ta cần “cắt bỏ” ngay những ung nhọt của nền bóng đá Việt Nam.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc