09:32, 31/10/2014
Tổng cục Thể dục thể thao đang xây dựng chương trình đào tạo vận động viên trọng điểm để xin kinh phí từ Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Đây là phương án của ngành thể thao nhằm có những vận động viên tài năng, có thể tranh chấp huy chương trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên phương án "nuôi gà chọi" kiểu này chưa chắc đã tốt, nhất là với nền thể thao Việt Nam hiện nay.
Theo phương án dự kiến, sẽ có 20 vận động viên của bảy môn thể thao trọng điểm (điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, xe đạp, đấu kiếm, cử tạ, bắn súng) được đầu tư đặc biệt từ nay đến năm 2020 để thực hiện mục tiêu giành huy chương Olympic 2016, Asiad 2019. Kinh phí thực hiện chương trình này là khoảng 40 tỷ đồng/năm để đưa các vận động viên này đến những nền thể thao hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng ý là mục tiêu có huy chương ở các giải đấu lớn luôn là mong muốn của ngành thể thao cũng như của tất cả người hâm mộ, nhưng vấn đề ở chỗ hiệu quả đến đâu thì chưa ai dám chắc. Thực tế là phương án "nuôi gà chọi" không phải bây giờ người ta mới nhắc đến, trước đây những vận động viên như Vũ Thị Hương (điền kinh) hay mới đây là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội)... cũng được xem là "gà nòi" của thể thao Việt Nam và cũng đã được đầu tư đặc biệt, nhưng thành tích cũng chỉ dừng lại ở tầm khu vực. Để có được một vận động viên tốt là cả một quá trình tìm kiếm và sàng lọc, quá trình này phải được tiến hành thường xuyên từ khâu tuyển chọn ban đầu đến suốt quá trình đào tạo. Như vậy, muốn đạt được kết quả cao nhất thì các vận động viên phải thường xuyên rèn luyện bản thân từ thấp đến cao, phải thông qua thi đấu thường xuyên, củng cố, nâng cao các kỹ năng, kỹ xảo để khi vào thi đấu chính thức không còn bỡ ngỡ, vượt qua được rào cản tâm lý mới mong đạt được kết quả cao nhất. Nhìn vào những cái tên trong danh sách vận động viên trọng điểm, cùng lắm chỉ có thể kỳ vọng ở môn bơi lội với Nguyễn Diệp Phương Trâm (vận động viên đã phá bốn kỷ lục Đông Nam Á lứa tuổi 13 tại Giải bơi vô địch Đông Nam Á 2014). Còn lại những vận động viên khác đã có dấu hiệu chững lại, khó có khả năng phát triển thành tích.
|
Vận động viên điền kinh Vũ Thị Hương từng được xem là “gà nòi” của thể thao Việt Nam. |
Một vấn đề hết sức quan trọng trong việc nâng cao thành tích của một vận động viên đó là phải bắt nguồn từ "gốc", muốn có điều này không cách nào khác là phải phát triển thể thao học đường. Ngay cả với một nền thể thao phát triển bậc nhất thế giới như Mỹ cũng phải tìm kiếm, đào tạo vận động viên từ thể thao học đường. Số tiền khoảng 240 tỷ đồng không phải là nhiều, nhưng chí ít cũng tạo được sức bật mới nếu được đầu tư vào thể thao học đường, vốn đang rất èo uột. Một vấn đề gây quan ngại khác đó là việc chốt danh sách như vậy sẽ khó tránh khỏi tạo ra một tâm lý buông xuôi với những vận động viên tiềm năng khác. Như vậy chẳng khác nào "tham đĩa bỏ mâm"...
Khoan hãy bàn đến hiệu quả của chương trình đào tạo vận động viên trọng điểm mà Tổng cục Thể dục thể thao đang theo đuổi, bởi có thêm vài tấm huy chương chưa chắc đã thay đổi được về “chất” đối với nền thể thao của một quốc gia. Vậy nên thay vì bỏ ra một khoản tiền lớn rồi "nín thở" trông chờ thành tích của số ít vận động viên, những người làm thể thao Việt Nam cần hoạch định chiến lược dài hơi để có thể phát triển theo chiều sâu. Một đất nước có phong trào tập luyện thể thao sôi nổi, một dân tộc khỏe mạnh ắt sẽ tìm được vận động có thành tích cao…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc