Multimedia Đọc Báo in

VCK AFF Suzuki Cup 2014: Trận bán kết 2 - Lịch sử ủng hộ Đội tuyển Việt Nam

12:33, 07/12/2014

VCK AFF Cup 2014 đã đi được nửa chặng đường khi mà các trận đấu ở vòng bảng đã tiến hành xong và bắt đầu từ 6-12 diễn ra các trận đấu thuộc vòng bán kết. Trong trận bán kết thứ hai (chiều nay 7-12), Đội tuyển Việt Nam sẽ phải có chuyến làm khách được dự báo là hết sức khó khăn trên sân của Malaysia. Tuy nhiên lịch sử lại đang ủng hộ Đội tuyển Việt Nam.


Đây là một cặp đấu có nhiều duyên nợ ở khu vực Đông Nam Á. Từ năm 1991, tức thời điểm bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập trở lại với đấu trường khu vực, đội tuyển Malaysia và tuyển Việt Nam chạm trán nhau sáu lần thì có ba trận hòa và Malaysia thua ba trận. Trong sáu lần chạm trán ấy, tuyển Malaysia chỉ ghi được hai bàn.

Cũng giống như người đồng nghiệp Miura của đội tuyển Việt Nam, HLV Salleh đang rất căng thẳng trước trận đấu. Khi tiếp nhận đội tuyển Malaysia từ hồi tháng 6 đến nay, kể cả các trận giao hữu và AFF Suzuki Cup 2014, HLV Salleh đã dẫn dắt cả thảy tám trận ghi được 13 bàn và để thủng lưới 17 bàn. Trong ba trận ở vòng bảng thì Malaysia để thủng lưới đến bốn bàn (hòa Myanmar 0-0, thua Thái Lan 2-3, thắng Singapore 3-1). Bốn bàn thua của Malaysia đều diễn ra ở 18 phút cuối trận.

Safee Sali chọc thủng lưới thủ môn Tấn Trường ở bán kết AFF Cup 2010
Safee Sali chọc thủng lưới thủ môn Tấn Trường ở bán kết AFF Cup 2010

Những con số thống kê trên đã buộc cho HLV Salleh có một cách suy nghĩ nghiêm túc và cả những lo âu trước khi tiếp đội tuyển Việt Nam ở lượt đi. Vị HLV 51 tuổi của tuyển Malaysia tâm sự với giới truyền thông về những con số thống kê trên và tỏ vẻ lo lắng ở khâu phòng ngự của đội nhà.

Tuy nhiên, HLV Salleh cũng tỏ ra mạnh miệng khi trả lời báo chí. Ông nói: “Tôi muốn ghi ít nhất hai bàn vào lưới tuyển Việt Nam và không muốn đội tuyển Việt Nam có bàn khi rời Malaysia.Tôi không quan tâm đội tuyển Việt Nam chơi như thế nào, họ đến đây đá tấn công hay đá phòng ngự đó là quyền của họ, điều đó chẳng thay đổi được mục tiêu chiến thắng của tôi".

Người Mã có lý để tin rằng mình đủ sức bắt bài Việt Nam bởi 2/3 lực lượng của Malaysia tham dự giải đấu này đều là thành phần lên ngôi vô địch 2010 mà mấu chốt cho chức vô địch ấy chính là chiến thẳng để đời trên sân Bukit Jalil.

Trận đấu ấy, Malaysia đã sử dụng lối chơi phòng ngự – phản công khó chịu. Họ cố gắng phá lối chơi của đối thủ và chờ đợi sai lầm mà đối phương mang lại khi sự kiên nhẫn để khoan thủng khối bê tông của hàng tiền đạo đã cạn kiệt.

1 năm trước đó, tại SEA Games 2009, người Mã đã sử dụng chính cách đá này để hạ gục Việt Nam vốn được đánh giá mạnh hơn rất nhiều ở trận chung kết. Họ đã dựa trên khả năng hiểu biết sức mạnh của đối thủ để dùng “vô chiêu mà thắng hữu chiêu” và đạt được thành công nhờ triết lý ấy.

Thế nên, khi Việt Nam và Malaysia gặp nhau ở Mỹ Đình trước AFF Cup 2014 trong trận giao hữu, HLV Malaysia đã nói rằng họ muốn gặp Việt Nam ở trận bán kết chứ không phải chung kết, nghĩa là người Mã tự tin sẽ đá bại Việt Nam nếu như 2 đội gặp lại nhau.

Sức mạnh của Malaysia chính là khả năng phá lối chơi của đối phương. Tuy nhiên, Việt Nam của bây giờ khác rất nhiều với Việt Nam của 1 năm trước chứ chưa nói đến cách đây 4 năm cả về con người lẫn lối chơi.

Thầy trò HLV Miura tại Kuala Lumpur
Thầy trò HLV Miura tại Kuala Lumpur

Chỉ có Phước Tứ và Thành Lương là những người từng dự AFF Cup 2010, trong đó có tới 10 cầu thủ mới lần đầu lên tuyển. Sự tươi mới ấy đã tạo nên khác biệt của đội tuyển dưới sự dẫn dắt ông thầy người Nhật – Miura.

Đội tuyển Việt Nam lúc này cũng trở nên hết sức khó lường, 20/22 cầu thủ đã được ông Miura sử dụng trong 3 trận đấu với 3 lối chơi và chiến thuật khác nhau. Rất khó để tìm ra sức mạnh thực sự của ĐT Việt Nam vào lúc này.

Thế nên, tới đây nếu người Mã chỉ dựa trên những số liệu và kinh nghiệm cũ thì khả năng họ bị “việt vị” rất cao. Đến ngay cả một người cực kỳ hiểu bóng đá Việt Nam như Riedl cũng phải thừa nhận bây giờ chúng ta đã khác.

Cách sử dụng con người đấy cho thấy HLV Miura đang tính những con tính đường dài, cho một chiến dịch dài hơi mà ông quyết đi đến cùng. Cách sử dụng con người ấy cũng giúp cho tính cạnh tranh của đội tuyển tăng lên.

Cho đến lúc này, chẳng có cầu thủ nào chắc suất đá chính ở đội tuyển. Ngay trên Lê Công Vinh, khi trả lời giới truyền thông khu vực sau vòng bảng cũng nói rằng nhiệm vụ của anh chỉ là sẵn sàng 110% phong độ khi HLV yêu cầu, còn anh cũng không biết mình có được tung vào sân ngay từ đầu hay không, hoặc từ băng ghế dự bị?

Chuyện xếp Công Vinh trên ghế dự bị như ở trận khai mạc với Indoensia, không sử dụng Tấn Tài trong các trận đấu quan trọng ở vòng bảng, với những đối thủ mạnh Philippines hay Indonesia có lẽ chỉ là chuyện mà ngoài HLV Miura, ít người khác dám thực hiện.

Rồi mặc cho những lời bàn tán, mặc cho các chuyên gia trong nước và đối thủ đoán già đoán non, HLV Miura cứ mỗi trận lại sắp một đội hình khác nhau, chơi một cách chơi khác nhau, theo đúng sự tính toán của ông từ trước đó.

Và cho đến giờ, khi mà Minh Tuấn bị treo giò ở trận lượt đi, cũng không ai đoán được rằng HLV Miura sẽ sử dụng cầu thủ nào và phương án nào để thay thế cầu thủ đang khoác áo Than Quảng Ninh. Tất cả mọi phương án mà người ta đưa ra chỉ là… đoán, và mọi người chỉ biết rằng mọi cầu thủ ở đội tuyển đang sẵn sàng chờ được vị HLV người Nhật sử dụng.

Chính vì những yếu tố đó, Đội tuyển lần này của HLV Miura khó đoán hơn và giàu sức bật hơn các đội tuyển của những người tiền nhiệm. Với chừng ấy con người có chất lượng chưa chắc là cao, nhưng đặt trong tính cạnh tranh cao do HLV Miura đặt ra, đội bóng đang lột xác hẳn so với chính mình.


G.N
(Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc