Multimedia Đọc Báo in

Thể thao - Nơi tình yêu bắt đầu

10:26, 02/02/2016

Thi sĩ người Pháp thế kỷ XIX Alfred De Musset có một câu danh ngôn nổi tiếng về tình yêu: “Khi yêu người ta thấy sự xa cách và thời gian chẳng là gì cả”. Quả thật, cuộc sống luôn có những câu chuyện “sức mạnh tình yêu” vượt qua mọi khoảng cách địa lý để cùng nhau viết lên một cái kết tốt đẹp.

Hai trái tim cùng nhịp đập... thể thao                 

Cùng là vận động viên, trong khoảng thời gian tập trung đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia ở Đà Nẵng, chàng võ sĩ quê Đắk Lắk Trương Đình Hoàng - nhà vô địch hạng cân 75 kg nam môn Boxing tại SEA Games 28 và cô gái miền sơn cước Đỗ Thị Thảo - người được biết đến với biệt danh là “con gái của thần gió”, nhà vô địch Điền kinh cự ly 800 m, 1.500 m tại SEA Games 28 đã “bén duyên” nhau và mới đây họ đã chính thức nên duyên vợ chồng. Để kỷ niệm ngày trọng đại của đời mình, đôi trai tài gái sắc của làng thể thao Việt Nam đã thực hiện 2 bộ ảnh cưới, một bộ có tên là “Dân thể thao” và một bộ có tên là “Tình yêu trước biển”. Hai bộ ảnh cưới tuy có chủ đề hoàn toàn khác nhau song đã phác họa chân thực mối tình giữa hai tuyển thủ quốc gia: Cả hai đều là dân thể thao chuyên nghiệp, tình yêu của họ bắt đầu, lớn lên giữa cái nắng, gió và bãi biển Đà Nẵng xinh đẹp. 

Hai nhà đương kim vô địch SEA Games Trương Đình Hoàng và Đỗ Thị Thảo(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hai nhà đương kim vô địch SEA Games Trương Đình Hoàng và Đỗ Thị Thảo (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đỗ Thị Thảo (SN 1992) là con gái út trong một gia đình nông dân tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Khi vừa tròn 15 tuổi, trong lần tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh, Thảo được những người có chuyên môn phát hiện ra năng khiếu và tuyển chọn tập trung đội tuyển điền kinh tỉnh Sơn La. Hai năm sau, tài năng của Thảo ngày càng thể hiện mạnh mẽ qua từng bước chạy, vì thế nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhà tuyển trạch và được gọi tập trung đội tuyển điền kinh quốc gia tại Đà Nẵng. Những ngày đầu xa nhà, là con gái miền núi với bản tính yếu đuối, rụt rè nên Thảo không tránh khỏi những bỡ ngỡ khi phải tự lập cả trong luyện tập lẫn sinh hoạt thường ngày. Nhiều đêm liền em khóc đến sưng cả mắt và từng có ý định bỏ về nhà, tuy nhiên được sự động viên, chỉ bảo tận tình của huấn luyện viên, đồng đội và đặc biệt là được rèn luyện bên cạnh đàn chị Trương Thanh Hằng, Đỗ Thị Thảo nhanh chóng thích nghi và trở thành nhà vô địch khu vực Đông Nam Á ở 2 cự ly 800 m và 1.500 m tại 2 kỳ SEA Games 27 và 28.

Trương Đình Hoàng (SN 1990) - chàng trai của núi rừng Tây Nguyên từ nhỏ đã thể hiện năng khiếu đặc biệt với các môn võ thuật. Năm 2006, Trương Đình Hoàng được triệu tập vào đội tuyển trẻ Boxing quốc gia. Được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp dưới sự dìu dắt của các võ sư nhiều kinh nghiệm, Hoàng nhanh chóng khẳng định năng khiếu qua từng giải đấu. Mùa hè 2008, anh trở thành thành viên chính thức của đội tuyển Boxing Việt Nam, sau đó 1 năm đã mang về cho quốc gia chiếc HCĐ tại SEA Games 25 và tiếp tục bảo vệ thành công chiếc HCĐ tại SEA Games 26, 27. Đến kỳ SEA Games 28 mới đây trên đất Singapore, Trương Đình Hoàng đã biến giấc mơ vàng thành hiện thực khi anh đánh bại võ sĩ người Thái Lan trong trận chung kết hạng cân 75 kg nam môn Boxing.

Mối tình của Hoàng và Thảo bắt nguồn từ những lần gặp nhau tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia ở Đà Nẵng. Từ sự quen biết, quý mến nhau, đồng cảm về cuộc sống xa nhà, lâu dần cả hai “bén duyên” nhau lúc nào không hay. Họ cùng quyết tâm biến tình yêu thành động lực để nỗ lực trong tập luyện và thi đấu. Tình yêu sâu đậm hơn khi ngoài những ngày tập luyện chung, cả hai còn cùng nhau lên đường tham dự SEA Games 2011 ở Indonesia, SEA Games 2013 ở Myanmar cho đến SEA Games 2015 trên đất Singapore. Hoàng tâm sự: “Suốt một thời gian dài chuẩn bị cho SEA Games 28, cả hai bọn em ít khi được gặp nhau vì mỗi người tập trung ở một nơi, mỗi khi nhớ nhau chỉ biết bày tỏ qua điện thoại và mạng xã hội (Facebook, Zalo)”. Trên đất Singapore, cả hai thi đấu lệch múi giờ và khác địa điểm nên chỉ biết tin tức về nhau thông qua huấn luyện viên hoặc trưởng bộ môn. Hôm 10-6-2015, Hoàng và Thảo đều bước vào thi đấu ở nội dung chung kết. Dường như sức mạnh tình yêu và hai trái tim cùng chung nhịp đập nên khi hay tin Hoàng giành HCV về cho thể thao Việt Nam, Thảo cũng đã thi đấu tự tin để cán đích đầu tiên với thành tích 4 phút 28 giây 39 và cũng giành HCV. Sau khi giành chiến thắng, Trương Đình Hoàng đã viết lời tâm sự trên trang cá nhân: “Tôi đã làm được điều mà trong giấc mơ tôi vẫn thường mơ và còn hạnh phúc gấp bội khi biết tin người yêu cũng đoạt HCV. Cảm xúc vỡ òa”. Còn Thảo viết: “Chỉ muốn vỡ òa khi nghe tin anh yêu giành HCV. Vậy là mọi cố gắng, nỗ lực tập luyện của anh suốt bao năm qua đã được đền đáp xứng đáng. Về đến phòng, cầm điện thoại lên thấy những lời chúc mừng từ tất cả mọi người dành cho hai đứa mình mà em thật hạnh phúc!”. 

Sau ngày cưới, Đỗ Thị Thảo đã quyết định giã từ sự nghiệp thể thao đỉnh cao để tập trung cho việc học và hoàn thành thiên chức của một người vợ, người mẹ. “Tôi muốn mở ra trang mới cho cuộc đời, rẽ một lối đi khác cho tương lai” - Thảo chia sẻ.

Tình yêu bóng đá vượt khoảng cách địa lý

Gần 2 năm nay, người hâm mộ môn thể thao vua thường thấy một người đàn ông nước ngoài, da ngăm ngăm đen hằng ngày đều đặn đến sân vận động Buôn Ma Thuột giúp các cầu thủ câu lạc bộ (CLB) bóng đá Đắk Lắk luyện tập thể lực, nâng cao sức khỏe. Điều đặc biệt là anh làm việc này hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ niềm đam mê và mong muốn góp một phần công sức cho đội bóng quê hương của vợ. Anh chính là Iliya Buba (SN 1983, Quốc tịch Nigieria). Anh Buba kể: Anh đam mê bóng đá từ thuở nhỏ, tình yêu bóng đá giống như ngọn lửa luôn âm ỉ cháy mãi trong lòng. Khi mới 15 tuổi, anh đã bắt đầu thi đấu cho đội bóng quê nhà tại các giải trẻ ở Nigieria. Với tài năng thiên bẩm, anh nhanh chóng được nhiều CLB bóng đá tên tuổi ở Nigieria mời gọi về thi đấu tại giải vô địch quốc gia Nigieria (Nigieria League). Năm 2005, anh sang Việt Nam để được tiếp tục “thỏa” niềm đam mê với trái bóng tròn tại một số CLB bóng đá. Sau đó anh trở về nước học lấy bằng huấn luyện viên rồi quay sang Việt Nam lập nghiệp. Mảnh đất Tây Nguyên dường như có duyên với anh bởi từ một lần thi đấu tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) anh đã gặp và nên duyên vợ chồng với một cô gái người Buôn Ma Thuột. Bằng tình cảm và tâm huyết, anh theo vợ về phố núi sinh sống, lập nghiệp và đem niềm đam mê của mình để truyền lại cho thế hệ trẻ. Hiện nay, anh Buba đảm nhận công tác huấn luyện đội tuyển bóng đá U15 Đắk Lắk. Khi mùa giải hạng Nhất Quốc gia khởi tranh, anh lại kiêm nhiệm huấn luyện viên thể lực cho CLB bóng đá Đắk Lắk. Là chuyên gia thể lực từng làm việc cho nhiều CLB bóng đá tên tuổi ở Việt Nam nên khi về Đắk Lắk, Buba nhanh chóng dùng kinh nghiệm của mình để giúp cầu thủ hạn chế tối đa chấn thương, nền tảng thể lực của cầu thủ Đắk Lắk được cải thiện rõ rệt, thi đấu khởi sắc qua đó giành quyền trụ hạng khi mùa bóng kết thúc.

Huấn luyện viên Buba hướng dẫn cầu thủ Đắk Lắk luyện tập.
Huấn luyện viên Buba hướng dẫn cầu thủ Đắk Lắk luyện tập.

Tình yêu thể thao nói riêng và tình yêu đôi lứa nói chung đã giúp con người có thêm sức mạnh, niềm tin vượt qua bao nhiêu khó khăn, áp lực trong đời sống. Một mùa Xuân nữa lại về, những cánh én đã lượn bay khắp bầu trời, hy vọng rằng, thể thao không chỉ giúp con người rèn luyện sức khỏe, giảm áp lực sau những giờ làm việc căng thẳng, mà còn là nơi tình yêu “bén rễ, đơm hoa, kết trái”. 

Nguyễn Thế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.